Biển Đông một tuần sau phán quyết của PCA: Thiện chí và thách thức
Một tuần sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Phillipines kiện Trung Quốc, tình hình Biển Đông và khu vực đã có những diễn biến đáng chú ý.
Philippines sẵn sàng đối thoại
Ngay sau khi PCA công bố phán quyết chung thẩm, trong đó khẳng định đường 9 đoạn mà Trung Quốc yêu sách, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, đồng thời khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm Vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người vừa nhậm chức cách đây 1 tháng, cho biết, ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp sau khi Manila giành chiến thắng trong vụ kiện Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Duterte đã đề nghị cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để khởi động tiến trình đàm phán, song cựu lãnh đạo 88 tuổi này đã từ chối. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng, Chính quyền mới ở Philippines rõ ràng đã chứng tỏ thái độ thiện chí nhằm thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng giữa hai nước kể từ năm 2012, sau khi Trung Quốc cưỡng chế ngư dân Philippines rời khỏi bãi cạn Scarborough và tiến hành xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Nhiều người đặt câu hỏi về mục đích của tân Tổng thống Duterte khi ông ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, ông từng đề cập đến mong muốn xây dựng tuyến đường sắt với nguồn vốn từ cường quốc châu Á này, tuy nhiên, phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài Thường trực chắc chắn sẽ là một trở ngại trong việc thúc đẩy thỏa thuận song phương và tân Tổng thống cũng có thể phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ trong nước nếu ông cố gắng tìm kiếm sự nhượng bộ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang tìm cách thuyết phục Manila ngồi vào bàn đàm phán song phương mà không mang theo phán quyết từ PCA. Hãng AP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói: “Cơn bão kiện tụng đã qua, bầu trời đã trong xanh trở lại, chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ sớm diễn ra”; đồng thời khẳng định Trung Quốc tin rằng hợp tác song phương sẽ giúp người dân Philippines có được “những lợi ích rõ ràng”.
Trước đó, trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEM tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị hai nước nối lại đàm phán song phương với điều kiện không tính đến phán quyết của PCA. Nhưng ngay sau khi bị người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay thẳng thừng bác bỏ đề xuất đàm phán “có điều kiện”, ông Vương Nghị cảnh báo, “nếu Philippines khăng khăng quan điểm ủng hộ phán quyết thì hai nước chỉ có thể đi về phía đối đầu”.
Quan điểm của Mỹ về khả năng đàm phán, ông Sung Kim, người chuẩn bị được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Philippines nói rằng, Mỹ hoàn toàn ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines nếu chúng diễn ra trên tinh thần bình đẳng, không chèn ép. Nhưng có vẻ xét những gì Trung Quốc tuyên bố và hành động trong những ngày qua, Philippines đang hướng tới “cuộc đối thoại với người điếc”.
Động thái thách thức của Trung Quốc
Song song với những tuyên bố ngang ngược nhằm bác bỏ phán quyết của một Tòa án quốc tế, Trung Quốc đã có những động thái đáng chú ý ở Biển Đông. Ngày 18/7, Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đã ra thông báo cấm tàu bè qua lại khu vực ở phía Đông ngoài khơi đảo Hải Nam từ ngày 19 - 21/7 để tiến hành các hoạt động quân sự tại đây, dù không nêu rõ đó là hoạt động gì.
Cùng với các hoạt động trên biển, Trung Quốc đã công bố hình ảnh máy bay chiến đấu hiện đại của nước này H-6K bay qua bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Đây là lần đầu tiên không quân Trung Quốc phổ biến rộng rãi hình ảnh của máy bay chiến đấu H-6K - loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Trung Quốc, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, cất cánh từ Đại lục bay ngang qua bãi cạn Scarborough.
Hình ảnh trên được đưa ra cùng với tuyên bố của người phát ngôn lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Thân Tiến Khoa hôm 18.7, trong đó khẳng định, lực lượng này đã tiến hành tuần tra ở Biển Đông và hoạt động này sẽ được tiến hành thường kỳ trong tương lai.
Ông Thân Tiến Khoa cho biết, PLA đã triển khai máy bay ném bom H-6K và nhiều loại máy bay khác trong đó có máy bay tiêm kích, máy bay do thám và máy bay tiếp nhiên liệu, tuần tra trên các hòn đảo và bãi cạn ở Biển Đông, trong đó có cả bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Những động thái trên diễn ra đúng vào thời điểm Đô đốc John Richardson cùng phái đoàn Mỹ đang có cuộc gặp với phía Trung Quốc để thảo luận vấn đề an ninh hàng hải. Tại cuộc gặp, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố, Trung Quốc sẽ “không bao giờ ngừng xây dựng giữa chừng” trên quần đảo Trường Sa… cho dù bất kỳ cá nhân hay quốc gia nào gây sức ép.
Tờ Forbes của Mỹ bình luận, một loạt những động thái trên là “thông điệp cứng rắn” mà Bắc Kinh muốn gửi đến Washington, rằng Trung Quốc có khả năng đáp trả một cách tương xứng những hành vi của Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, đây cũng là tín hiệu mạnh mẽ Trung Quốc gửi đến Mỹ và Philippines về quyết tâm và dã tâm của Bắc Kinh không từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn trên Biển Đông, bao gồm bãi cạn Scarborough và nhiều đảo thuộc Trường Sa, Hoàng Sa, bất chấp phán quyết của Tòa án quốc tế.