Phán quyết của PCA: Công tâm, đề cao thượng tôn pháp luật

Theo daibieunhandan.vn

Sau hơn 3 năm thụ lý, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết mang tính lịch sử, lần đầu tiên đối với một tranh chấp về giải thích, áp dụng công ước quốc tế ở một trong những tuyến hàng hải có giá trị thương mại lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giới phân tích nhận định phán quyết của PCA đã thể hiện sự công tâm, đề cao tính thượng tôn pháp luật quốc tế và nhận được những đánh giá tích cực của dư luận thế giới.

Tiến trình minh bạch

Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trên cơ sở đề nghị của Philippines. Phán quyết của PCA có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII.

Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình xét xử do Philippines đơn phương khởi xướng”, tuy nhiên, Phụ lục VII của UNCLOS quy định rằng “việc một bên vắng mặt hoặc không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng”.

Phụ lục VII cũng quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia vào tiến trình tố tụng, PCA “phải chắc chắn rằng Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế”.

Theo đó, trong suốt quá trình tố tụng, PCA đã thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của các đệ trình do Philippines đưa ra, bao gồm yêu cầu Philippines cung cấp thêm các lập luận, đặt ra các câu hỏi cho Philippines trước và trong hai phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ báo cáo về các vấn đề kỹ thuật và thu thập bằng chứng về mặt lịch sử liên quan đến các cấu trúc địa lý tại Biển Đông và chuyển những bằng chứng này để các bên xem xét.

Trước tuyên bố của Trung Quốc rằng PCA không đủ thẩm quyền giải quyết vụ kiện, PCA đã tổ chức một phiên tranh tụng về thẩm quyền và

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được coi là hiến pháp của đại dương vì nó thiết lập các nguyên tắc quan trọng về cách thức phân bổ các nguồn tài nguyên đại dương và dàn xếp các tranh chấp. Công ước bao gồm các thủ tục giải quyết tranh chấp của nó, trong trường hợp của Trung Quốc. Việc là một thành viên của UNCLOS đem lại cho các thành viên tư cách hội viên trong: (1) Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS); (2) Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và (3) có thể nộp đơn kiến nghị lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS).

khả năng thụ lý vụ việc vào tháng 7/2015 dựa theo Điều 288 của UNCLOS, và ban hành một Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào ngày 29/10/2015, quyết định về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền và sẽ để lại một số vấn đề tiếp tục xem xét.

Sau đó, PCA triệu tập và tổ chức một phiên tranh tụng về các vấn đề nội dung của vụ kiện từ ngày 24 -30/11/2015.

Đề cao luật pháp quốc tế

Với các kết luận rõ ràng liên quan tới những nội dung mà Phillippines kiện Trung Quốc về quyền lịch sử đối với “Đường 9 đoạn”, quy chế của các cấu trúc ở Biển Đông, tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc, về vấn đề gây hại cho môi trường biển, PCA thể hiện sự công tâm trong xem xét, thụ lý, đề cao tính thượng tôn của luật pháp quốc tế trên nền tảng cơ bản là UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên.

Điều đó cũng được thể hiện ở việc khi đánh giá các hoạt động của Trung Quốc kể từ khi Tòa bắt đầu xem xét vụ kiện có làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên hay không, các thẩm phán của PCA đã thẳng thắn thừa nhận Tòa không đủ thẩm quyền để xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu Hải quân Philippines và tàu Hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas), bởi tranh chấp này liên quan đến hoạt động quân sự và do vậy, nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.

Tuy nhiên, PCA nhận thấy việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể khắc phục được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.

PCA đã làm rõ quan điểm của luật pháp quốc tế về những tuyên bố hàng hải của Trung Quốc một cách hoàn toàn minh bạch, công tâm. Nếu muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới có trách nhiệm và được tôn trọng, họ sẽ không thể phớt lờ các quy định của luật pháp quốc tế, không tuân thủ các trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên trong các hiệp định, công ước, tổ chức quốc tế.

Dù cho phán quyết này sẽ tác động như thế nào đến tình hình khu vực thì trên thực tế đây cũng là một sự kiện mang tính biểu tượng. Rõ ràng việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố phớt lờ phán quyết đã ít nhiều xói mòn uy tín và hình ảnh của cường quốc mới nổi này.