Big 4 muốn được tăng vốn ngay đầu năm 2023


Gánh nhiệm vụ bơm vốn chính cho nền kinh tế, trong khi vốn điều lệ không tăng tương ứng, khiến các các Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Big 4) đang phải “ăn đong” tăng trưởng. Đây chính là lý do khiến các ngân hàng này tiếp tục đồng thanh kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện cho tiếp tục tăng vốn.

Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước
Trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước

Mặc dù đóng góp lớn với nền kinh tế - cả cung ứng tín dụng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp, song các ngân hàng quốc doanh lại hết sức chật vật mới được cho phép tăng vốn thời gian qua. Hơn nữa, việc tăng vốn chủ yếu dựa vào vốn ngân sách hoặc lợi nhuận để lại khiến nhóm Big 4 vẫn loay hoay với tình trạng mỏng vốn.

Tín dụng phình to

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, tổng tài sản của ngân hàng đến 30/11/2022 đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng. Tín dụng tổ chức kinh tế và dân cư đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% (bằng kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao). Huy động vốn đạt 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 6%, đảm bảo cho hoạt động tín dụng và các chỉ số an toàn theo quy định.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát (tỷ lệ nợ xấu dưới 1%). Năng lực tài chính tiếp tục được củng cố và nâng cao. Số dư Quỹ dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 243%.

Tại Agribank dự kiến đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu chính, trong đó, tổng tài sản đạt gần 1 triệu 850 ngàn tỷ đồng, huy động vốn gần 1 triệu 680 ngàn tỷ đồng, tín dụng đạt 1 triệu 450 ngàn tỷ đồng với 65% dư nợ phục vụ cho "tam nông".

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, dự kiến đến hết năm 2022, tổng tài sản của VCB ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng; huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; Tín dụng ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỷ trọng tín dụng bán lẻ của Vietcombank đã tăng từ 40% năm 2017 lên trên 55% năm 2022. Cơ cấu thu nhập chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, các mảng kinh doanh dịch vụ tăng trưởng nhanh về quy mô.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng liên tục giảm qua các năm. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 0,62%, giảm mạnh so với mốc 1,12% năm 2017. Vietcombank đã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế và là ngân hàng luôn duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trên thị trường.

Không nêu lợi nhuận ước tính năm 2022, song Chủ tịch Vietcombank cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 đạt gần 130.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2013 - 2017. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận Vietcombank đạt 25.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Sốt ruột vì tăng vốn chậm

Theo lãnh đạo các ngân hàng có vốn Nhà nước, tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng được đề ra tại Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả; tạo ra những bước chuyển lớn và tiền đề quan trọng cho một giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, một nội dung quan trọng mà “big 4” chưa hoàn thành so với Phương án đã đề ra là việc tăng vốn điều lệ, là vấn đề nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank nói: Hiện tại, Vietcombank đang hoàn thiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN, bản chất nội hàm chính là Chiến lược phát triển của Vietcombank đến 2025, định hướng 2030 đã được Vietcombank xây dựng với tầm nhìn giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong các giải pháp trọng yếu được Vietcombank xác định là phải tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát chặt chẽ chất lượng danh mục tín dụng. Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn đạt mức tối thiểu 10%, đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 11%.

Để thực hiện mục tiêu này, Vietcombank đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các NHTM Nhà nước còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế.

“Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 - 2020 sau khi trích lập các quỹ. Trong năm 2023, ngân hàng dự kiến xin ý kiến NHNN để trình ĐHĐCĐ tiếp tục tăng vốn điều lệ sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước”, ông đề nghị.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn cho các Ngân hàng Thương mại Nhà nước.

Về phía Agribank cũng nếu khó khăn, vướng mắc của ngân hàng lúc này là vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Từ thực tiễn này, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank cho rằng việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để ngân hàng đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông. Do đó, Chủ tịch Agribank kiến nghị Chính phủ cần triển khai việc tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn