Bình Dương nâng sức cạnh tranh, chủ động thu hút đầu tư chất lượng cao


10 tháng năm 2023, Bình Dương thu hút hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước. Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng mở rộng sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam. Ảnh : Ngọc Thanh
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam. Ảnh : Ngọc Thanh

Vốn đầu tư tăng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương, trong 10 tháng của năm 2023, Bình Dương đã thu hút được hơn 1,63 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, có 107 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 46 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư; 114 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh có 4.191 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,3 tỷ đô la Mỹ.

Năm 2024, tỉnh Bình Dương phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 1,8 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI đóng vai trò quan trọng. Quan điểm nhất quán của tỉnh vẫn là thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Tại các khu công nghiệp (KCN) thu hút 80 dự án đầu tư mới, 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, 52 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 684,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 52% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Bên ngoài các KCN thu hút 28 dự án đầu tư mới, 34 dự án điều chỉnh tăng vốn, 10 dự án điều chỉnh giảm vốn, 64 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 663,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 48% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 82 dự án đầu tư đăng ký mới, 27 dự án điều chỉnh tăng vốn, 74 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 874,9 triệu đô la Mỹ, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 641,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 39,49% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 70,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Dương, cùng với việc đổi mới, hiện đại hóa quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, các sở, ngành, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng.

Nhiều nhà đầu tư mạnh

Trong 10 tháng năm 2023, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Trong đó, đứng đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore với 449 triệu đô la Mỹ, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký; Hà Lan đứng thứ 2 với 322,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 19,7% tổng vốn đăng ký; Đan Mạch đứng thứ 3 với 163,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 10% tổng vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Kỳ...

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH East West Industries Việt Nam. Ảnh : Ngọc Thanh
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH East West Industries Việt Nam. Ảnh : Ngọc Thanh

Một số dự án đầu tư lớn trong 10 tháng năm 2023 tại Bình Dương có thể kể đến như Công ty Pandora Production Holding (Đan Mạch) đầu tư xây dựng cơ sở chế tác trang sức tại KCN VSIP III, với tổng vốn đầu tư khoảng 160 triệu đô la Mỹ; nhà máy Công ty Crown Company Limited (Singapore) sản xuất các loại lon bằng nhôm tại KCN Phú Tân, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một với tổng vốn đầu tư 95 triệu đô la Mỹ…

Thời gian qua, ngoài việc chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, Bình Dương còn tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng, quảng bá hình ảnh trước các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, là địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút FDI, Bình Dương vẫn đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…

Theo Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa trong cuộc đua đón dòng vốn FDI chất lượng. Để tận dụng cơ hội thu hút FDI, Bình Dương không chỉ dựa vào lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, mà cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Do vậy, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tinh gọn quy trình, thủ tục đầu tư; có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

 

Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Hiện Bình Dương vẫn đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo mô hình chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các DN trên địa bàn phát triển bền vững. Hiện tỉnh cũng đang đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng và mở rộng các KCN, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo Ngọc Thanh/ Báo Bình Dương