Kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho tỉnh Bo Ly Khăm Xay, CHDCND Lào
Với nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bo Ly Khăm Xay, CHDCND Lào là một trong những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Do vậy, bài viết nghiên cứu kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số địa phương của Việt Nam và CHDCND Lào, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệp cho tỉnh Bo Ly Khăm Xay.
Kinh nghiệm ở một số địa phương của Việt Nam
Tại TP. Đà Nẵng
Đà Nẵng là một thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam. Trong những năm qua, Đà Nẵng đã thực sự chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung và là thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều nhất. Lũy kế đến tháng 3/2023, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 980 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,062 tỷ USD từ 45 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Có được những kết quả trên là do:
Thứ nhất, ý thức được vai trò quan trọng của FDI, khi tiếp nhận các dự án FDI, TP. Đà Nẵng đã tiến hành thẩm tra giấy chứng nhận, sau đó triển khai hoạt động dự án FDI; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trực tiếp như: tài chính, thuế, địa chính, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ du lịch…, tránh tình trạng các cơ quan chức năng thiếu sự phối hợp và có những ý kiến khác nhau khi tiếp nhận các dự án FDI.
Thứ hai, TP. Đà Nẵng thực hiện đồng bộ và nhất quán cơ chế đầu tư kết hợp giữa FDI và đầu tư trong nước, viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn viện trợ khác.
Thứ ba, chính sách khuyến khích đầu tư của TP. Đà Nẵng được thể hiện một cách đồng bộ, kết hợp đầu tư trong nước và FDI để tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm đối tác đầu tư. Đầu tư trong nước là nguồn lực quan trọng, có vai trò to lớn trong việc góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời, hạn chế việc mất cân đối giữa các ngành nghề và khu vực FDI. Vì vậy, TP. Đà Nẵng đã liên kết đầu tư trong nước và FDI để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn FDI.
Ngoài ra, không phải tất cả các dự án FDI đều được TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều này đã giúp Thành phó có cái nhìn toàn diện hơn trong việc thẩm định các dự án FDI. TP. Đà Nẵng đã kiên quyết từ chối các dự án có giá trị đầu tư lớn nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Chẳng hạn năm 2007, TP. Đà Nẵng đã từ chối cấp phép cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép và dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy của nước ngoài với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, vì lý do e ngại dự án này sẽ tác động xấu đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân Thành phố. Tựu chung, TP. Đà Nẵng đã không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua các tác động xấu của dự án FDI.
Tại tỉnh Bình Dương
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, có vị trí, địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút FDI. Bình Dương luôn coi vốn FDI là một trong những giải pháp quan trọng được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình phát triển, để phát huy hiệu quả và hạn chế những mặt yếu kém mà FDI mang lại, tỉnh Bình Dương đã có những cách làm riêng từ quy trình chọn nhà đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép đến việc hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án FDI, chính vì vậy, liên tục trong những năm gần đây Bình Dương luôn nằm trong những địa phương sử dụng vốn FDI thành công nhất.
Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, đây chính là nguồn lực quan trọng để Bình Dương có tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cao gấp 2 lần so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Năm 2022, vốn FDI vào Bình Dương đạt hơn 3,1 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Tỉnh này đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 39,7 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
Theo đánh giá của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, nổi bật trong thực hiện FDI của Tỉnh trong những năm vừa qua là xu hướng gia tăng vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và sản phẩm được sản xuất có khả năng cạnh tranh tốt. Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ cũng được quan tâm đầu tư rất tích cực. Điều này vừa tạo được cân bằng trong việc phát huy hiệu quả của FDI vừa phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp bền vững của Tỉnh trong thời gian tới.
Ở Bình Dương, lãnh đạo Tỉnh luôn sát cánh cùng nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh coi tất cả những khó khăn, vướng mắc của nhà nhà đầu tư nước ngoài chính là khó khăn, vướng mắc của Tỉnh và cùng hợp tác cải thiện môi trường đầu tư lành mạnh mạnh và thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, Bình Dương luôn chủ động trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, hàng năm, Tỉnh cử nhiều đoàn sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Mỹ, châu Âu... tổ chức tiếp thị mời gọi FDI với các nhà đầu tư nước ngoài.
Kinh nghiệm ở một số địa phương của Lào
Tại tỉnh Chăm Pa Sắc
Chăm Pa Sắc là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào. Tỉnh nằm ở vị trí của ngõ, đầu mối giao thông giữa các tỉnh miền núi phía Đông và phía Bắc với Đồng bằng sông Mê Kông, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế chung của các vùng.
Xác định được tầm quan trọng của thu hút FDI trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh Chăm Pa Sắc đã thực hiện triển khai các hoạt động về công tác xúc tiến thu hút FDI như: Môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn các nhà đầu tư, được thể hiện qua chỉ số Năng lực môi trường cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 2/18 tỉnh, thành phố năm 2020; Thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp Tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Chăm Pa Sắc hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án; thực hiện biên soạn tài liệu giới thiệu môi trường đầu tư, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát được thực hiện có kế hoạch, thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ sẽ đảm bảo dự án đầu tư được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, đúng tiến độ, hạn chế được các tác hại về môi trường, chống các hoạt động chuyển giá trốn thuế...
Nhờ thu hút FDI hiệu quả, những năm qua, phát triển kinh tế của Tỉnh đạt được nhịp độ tăng trưởng khá và liên tục, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2011-2015 đạt 11,08%, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,18%. Thu nhập bình quân cũng tăng lên, năm 2010 thu nhập bình quân tính theo đầu người là 1.029 USD/người, năm 2015 là 2.005 USD/ người, năm 2018 là 2.587 USD/người và năm 2020 là 3.054 USD/người.
Tại Thủ đô Viêng Chăn
Viêng Chăn là Thủ đô của nước CHDCND Lào, nằm ở vùng Trung Lào, có tổng diện tích tự nhiên là 3.920 km2 (chiếm khoảng 1,7% diện tích cả nước), dân số trong năm 2020 là 906.859 người. Với vị trí địa lý thuận lợi, Viêng Chăn có rất nhiều triển vọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Khai thác phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, Thủ đô Viêng Chăn đã và đang phấn đấu trở thành vùng đất an toàn và hiệu quả cho FDI. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất của Lào, Viêng Chăn thuận lợi cho việc đầu tư phát triển công nghiệp và xây dựng công trình với chi phí thấp.
Bên cạnh vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, quỹ đất dồi dào và còn nhiều dư địa khai thác, thời gian qua Viêng Chăn đã tích cực đổi mới môi trường đầu tư, thực hiện “trải thảm đỏ” để tiếp nhận FDI. Cụ thể, địa phương đã sớm quy hoạch các khu công nghiệp, tự đầu tư ngân sách để tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và công khai cơ chế, thủ tục, chính sách để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp được bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông vận tải; cạnh các khu đô thị có dịch vụ đạt tiêu chuẩn cao và có nguồn nhân lực dồi dào.
Bên cạnh đó, Viêng Chăn còn thuyết phục được các nhà đầu tư nước ngoài bởi việc cải cách hành chính quyết liệt. Các nhà đầu tư nước ngoài đều rất ấn tượng trước những cố gắng của chính quyền Thủ đô Viêng Chăn trong việc giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, mã số thuế, khắc dấu, xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan... những ưu đãi về thuế và hỗ trợ đến bù giải phóng mặt bằng. Viêng Chăn được ghi nhận là đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng khá nhanh chóng. Đến 2020, toàn Thủ đô đã có 1.052 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đầu từ 112.791,52 tỷ Kíp. Số dự án FDI thu hút qua các năm ngày càng tăng lên.
Ngoài ra, để thu hút FDI, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Viêng Chăn đồng tâm nhất trí tìm các biện pháp hợp lý nhất để tạo điều kiện cho khu vực FDI khuôn khổ quy định của pháp luật. Các biện pháp khác được thực hiện gồm: Huy động vốn trong xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bằng nhiều phương thức. Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư rõ ràng, thông thoáng không làm mất nhiều thời gian của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, chủ động cung cấp nguồn lao động có chất lượng làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Bo Ly Khăm Xay
Qua nghiên cứu và học hỏi một số địa phương của Việt Nam và Lào, có thể rút ra bài học kinh nghiệm có thể vận dụng cho tỉnh Bo Ly Khăm Xay nước CHDCND Lào như sau:
Thứ nhất, môi trường kinh tế, chính trị ổn định rất quan trọng là cơ sở để thu hút FDI. Khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định bỏ vốn đầu tư dài hạn, thì ổn định chính trị và kinh tế là vấn đề được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là với các nước mới chuyển đổi cơ chế nền kinh tế như Lào... Đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh Bo Ly Khăm Xay.
Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian cấp phép. Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của nhà đầu tư nước ngoài với các chính quyền Tỉnh.
Thứ ba, nâng cao chỉ số PCI để góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Hoàn thiện các quy hoạch ngành, xây dựng, sử dụng đất để các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động hơn trong mời gọi đầu tư.
Thứ tư, nhu cầu về nguồn lao động có chất lượng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh là rất lớn. Vì vậy, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng cao.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của Tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, các trang thông tin của sở, ngành, huyện...
Thứ sáu, các cơ quan xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Tỉnh để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp.
Thứ bảy, bên cạnh những giải pháp để tăng cường thu hút FDI, Tỉnh cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, cố tình sử dụng công nghệ lạc hậu, bắt tay với nhau để làm giá, chuyển giá... để góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn FDI có chất lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Viêng Chăn (2015-2020), Báo cáo tổng kết giai đoạn (2010-2015), giai đoạn (2015-2020) và báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn (2021-2025);
- Mạnh Ngọc Tuấn (2016), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Luận án tiến sĩ kinh tế, Hà Nội;
- Sổm Sắc SENGSACKDA (2020), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Chăm Pa Sắc nước CHDCND Lào.