Binhantexco vi phạm xả thải ra môi trường

Theo VIR

Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty cổ phần Nguyên phụ liệu dệt may Bình An (Binhantexco), công ty con của Tổng công ty Việt Thắng (có cùng trụ sở tại 127 - Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước thải chung của khu dân cư.

Kiểm tra chi tiết, Đoàn thanh tra phát hiện nhiều vi phạm của công ty này. Tuy nhiên, điều lạ là, vụ việc lại được phát hiện bởi Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chứ không phải từ Chi cục Bảo vệ môi trường hay Phòng Thanh tra thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đơn vị trực tiếp quản lý môi trường trên địa bàn Thành phố.

Trước đây, UBND Thành phố đã có chủ trương về việc di dời cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp theo quy hoạch. Cụ thể, Quyết định 200/2004/QĐ-UBND ngày 18/8/2004 của UBND TP.HCM về việc không cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư một số ngành nghề sản xuất trong khu dân cư, trong đó có ngành nghề nhuộm, tẩy trong công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may; Quyết định 99/2005/QĐ-UBND ngày 13/6/2005 của UBND TP.HCM về một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp... Chủ trương là vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất như Binhantexco tồn tại trong khu đô thị và ngang nhiên xả chất thải độc hại chưa qua xử lý ra môi trường.

Theo biên bản vi phạm, bình quân mỗi ngày, Binhantexco xả hàng ngàn mét khối nước thải độc hại trực tiếp ra môi trường quận Thủ Đức.

Ông Lương Duy Hanh, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Khi lấy mẫu nước thải đột xuất, hệ thống xử lý nước thải của Công ty không vận hành. Lý do là, Binhantexco đã thiết kế 2 máy bơm để bơm trực tiếp nước thải ra môi trường mà không xử lý. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ hệ thống lưu giữ bùn thải, nước thải sau xử lý thu hồi của Công ty không đúng quy định về bảo vệ môi trường”.

Nhà kho cũ nát chứa bùn thải lưu cữu nhiều năm, bùn khô đóng trong hàng loạt bao tải rách. Mức độ độc hại của loại bùn này hiện chưa được xác định, nhưng theo Đoàn thanh tra, chắc chắn là không an toàn. Vấn đề là, Binhantexco không thể trả lời số bùn thải đó sẽ được mang đi đâu và xử lý hay giao cho đơn vị nào xử lý.

Được biết, Tổng công ty Việt Thắng có khu xử lý chất thải với đủ các loại từ nơi xử lý hóa chất, bể lọc, bể vi sinh, bể lắng. Thế nhưng, theo ghi nhận của Đoàn thành tra, có những thiết bị đã nhiều năm không sử dụng, nước thải đã bỏ qua mọi công đoạn xử lý, chỉ qua một bể chứa nhỏ rồi chảy thẳng ra môi trường.

Lý giải về tình trạng trên, ông Hoàng Tuân Huyên, Trưởng bộ phận Phụ trợ, phụ trách điện, hơi, nước (Tổng công ty Việt Thắng) cho biết: “Hệ thống ống đó là do Hà Lan thiết kế. Người ta làm cái này là bể tiếp xúc, nếu bị sự cố như hôm rồi, thì nó sẽ tràn ra ngoài môi trường thôi”.

Tổng công ty Việt Thắng thừa nhận sai phạm và cho biết, sẽ sớm sửa sai. Tuy nhiên, theo số liệu do Tổng công ty cung cấp, mỗi ngày, có khoảng 2.000 m3 nước thải độc hại chảy ra môi trường, thì không biết bao nhiêu năm qua, môi trường đã bị ảnh hưởng thế nào bởi những vi phạm của Binhantexco, Tổng công ty Việt Thắng.

Sai phạm của Binhantexco và Tổng công ty Việt Thắng đã rõ. Nhưng vấn đề đặt ra là, với chủ trương di dời các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi Thành phố, hoặc vào các khu công nghiệp, thì việc kiểm soát chất thải của cơ quan chức năng (ở đây là Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM) đối với những đơn vị sản xuất gây ô nhiễm còn tồn tại trong khu dân cư phải được đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, vụ việc trên do Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trực tiếp xem xét phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đầu tư liên hệ với ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (người trực tiếp phụ trách mảng môi trường) thì ông này đã từ chối trả lời.

Phải chăng, đơn vị trực tiếp thu phí bảo vệ môi trường đã lơ là trong công tác kiểm tra giám sát, hay doanh nghiệp đóng phí bảo vệ môi trường tự cho mình quyền được xả chất thải ra môi trường, mà không cần qua bất cứ một công đoạn xử lý nào?