Bịt lỗ hổng mượn xuất xứ hàng Việt
Nhiều mặt hàng nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại mượn xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh hàng hoá Việt.
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hoá Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến thông tin sai lệch về cán cân thương mại, từ đó ảnh hưởng đến động thái cân đối cán cân thương mại giữa các nước với Việt Nam.
Hàng ngoại gắn mác Việt
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo tình trạng hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu đang ngày càng gia tăng.
Theo các chuyên gia thương mại, nguyên nhân là do khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam có được một số ưu thế về xuất khẩu vào những thị trường mới mà các nước lân cận chưa có được. Đó chính là lý do khiến các nước này mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu.
Chẳng hạn, hồi tháng 9/2018, lực lượng hải quan cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đã phát hiện, bắt giữ lô hàng hơn 600 chiếc loa thùng di động nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm lại thể hiện xuất xứ Việt Nam.
Hay như không ít lần mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường thế giới, khi bị những hàng hóa kém chất lượng của nước khác “mượn” xuất xứ Việt Nam, các nước nhập khẩu sẽ hiểu nhầm đó là hàng Việt Nam khiến Việt Nam bị “mang tiếng”.
Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, cho rằng đây là rủi ro tiềm tàng đối với nền kinh tế Việt Nam, gây thiệt hại cho người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Ông Sơn lo ngại, khi họ mượn xuất xứ Việt Nam thì các số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu đi các nước khác của Việt Nam sẽ bị thổi phồng và bị đánh giá là xuất siêu.
Ví dụ, Mỹ sẽ đánh giá cán cân thương mại bị thâm hụt với Việt Nam ngày một tăng, hệ quả là nước này có thể gây sức ép bằng cách đưa ra những chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chưa kể, việc bị “mượn” xuất xứ thì nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi ích gì, trái lại từ lỗ hổng này, các nước mượn xuất xứ còn cạnh tranh trực tiếp với chính hàng hóa của Việt Nam, thậm chí còn làm xấu hình ảnh hàng hóa Việt Nam.
Bịt lỗ hổng chính sách
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su – nhựa TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các sản phẩm “đội lốt” hàng Việt đi theo đường chính ngạch cũng có, tiểu ngạch cũng có nhờ sự tiếp tay của các thương nhân trong nước.
“Chính một số người Việt đang bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài để nhập hàng về. Không dừng lại ở việc một số doanh nghiệp Việt tự ý chuyển đổi xuất xứ, mà hàng hóa giả còn được sản xuất, in, đóng gói trực tiếp từ Trung Quốc, sau đó tuồn về Việt Nam tiêu thụ”, ông Anh khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng dù tình trạng “mượn” nhãn mác Việt Nam đang ngày càng gia tăng, song điều đáng nói là hiện chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam”. Cơ quan quản lý vẫn còn loay hoay với tình trạng cảnh báo, chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Ông Sơn cho rằng để ngăn chặn tình trạng này, trước tiên phải tiến hành ngay việc hoàn thiện khung pháp lý, lấp các “lỗ hổng” về cơ chế chính sách. Trong công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và làm chặt chẽ hơn. Nếu hoàn thiện chính sách cùng với kiểm tra giám sát tốt thì sẽ hạn chế được vấn đề này.
Theo ông Sơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý hoàn chỉnh về xuất xứ hàng hóa để đảm bảo cho việc làm thủ tục xuất khẩu được thuận lợi, nhanh chóng.
Đặc biệt, các mặt hàng giả mạo xuất xứ sản xuất tại nước ngoài phải bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mới hiệu quả. Khi đã lọt vào trong nước, việc kiểm tra mất rất nhiều công sức cho cơ quan chức năng. Việc để hàng giả có xuất xứ nước ngoài đi sâu vào nội địa là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, biên phòng, hải quan… thiếu đồng bộ.
“Nếu khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, còn thiếu chỗ này, chỗ kia thì khó cho cả cán bộ tác nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng cần xử lý nghiêm, nặng hành vi tiếp tay cho hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.