Bitcoin: Tiền ảo, rủi ro thật
Từ đầu năm đến nay, đồng tiền kỹ thuật số (còn gọi tiền điện tử, tiền ảo) Bitcoin đã tăng giá kỷ lục, liên tục lập đỉnh, nhưng cũng nhanh chóng mất giá chỉ trong vài ngày.
Bitcoin có thể giúp một nhà đầu tư gia tăng 200% giá trị tài sản trong một năm hoặc bốc hơi chỉ sau vài đêm. Giá trị đồng tiền ảo này luôn biến động và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tham vọng thật
Bitcoin ra đời năm 2009, đến năm 2013 đồng tiền này lập đỉnh 1.000 USD/Bitcoin trước khi tuột giá thê thảm chỉ còn 200 USD trong hai năm tiếp theo. Đến năm 2016, tình hình Bitcoin ấm lại và bắt đầu đà tăng giá.
Tháng 1/2017, Bitcoin lập đỉnh 1.000 USD mà chuyên gia nhận định nguyên nhân là do các sự kiện Brexit, ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và Ấn Độ bãi bỏ đồng tiền mệnh giá lớn. Riêng việc ông Trump đắc cử đã khiến đồng tiền ảo tăng 40% giá trị.
Ngoài sự bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới, châu Á cũng chính là ngòi nổ cho sự bùng phát giá trị Bitcoin trong năm nay bởi cùng với Trung Quốc, Nhật Bản trở thành nước có lượng giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới sau khi chính phủ nước này công nhận đây là đồng tiền thanh toán hợp pháp hồi tháng 4/2017. Đến giữa tháng 5/2017, đồng Bitcoin lần đầu vượt ngưỡng 2.000 USD.
Ngày 11/6, tại một số sàn giao dịch tiền ảo ở Trung Quốc như BTCC, Bitcoin thậm chí giao dịch ở mức cao hơn từ 30 - 60 USD so với ngưỡng 3.012,05 USD. Lúc này, nhiều sàn giao dịch Bitcoin của Trung Quốc cho phép khách hàng rút tiền ảo sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ từ hồi tháng 2.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, đồng tiền này bất ngờ giảm mạnh xuống còn 2.532,87 USD. Như vậy, Bitcoin đã tăng hơn 3 lần từ đầu năm, gần 30% trong hơn một tuần đầu tháng 6.
Bất chấp sự biến động khôn lường của Bitcoin, hãng hàng không Nhật Peach Aviation vừa trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Mutsuko Higo, 55 tuổi, một chuyên gia về bảo hiểm xã hội và cố vấn lao động Nhật Bản đã mua khoảng 200.000 yen (1.800 USD) sau khi nghe lần đầu tiên về Bitcoin vào tháng 3, nhằm gia tăng giá trị tiền hưu.
"Tôi vui mừng đến không ngủ được, nó như một giấc mơ vậy", ông nói với Reuters khi giá trị Bitcoin tăng vọt. Những người nội trợ đam mê Bitcoin ở Nhật Bản được gọi là quý bà Watanabe cùng hàng ngàn người về hưu ở Hàn Quốc cũng cố gắng thoát khỏi tầng lớp nghèo nhất xã hội bằng cách bí mật đầu tư vào đồng tiền này. Họ vốn là những nhà đầu tư chứng khoán hay các thị trường kỳ hạn như trái phiếu đã đổ xô vào đầu tư Bitcoin vì lợi nhuận quá hấp dẫn của đồng tiền này.
Park Hyo-jin, một người Hàn Quốc, 27 tuổi, sở hữu khoảng 3 triệu won (2.700 USD) Bitcoin, cho biết: "Ngay bây giờ, đó là một hình thức đầu cơ, giống như cổ phiếu. Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai ở Hàn Quốc mua Bitcoin để sử dụng nó”.
Châu Á được chứng minh là mảnh đất màu mỡ cho Bitcoin bởi nền văn hóa đầu tư bán lẻ đang phát triển mạnh ở khu vực này. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nơi có nhiều giao dịch bí mật nhất thế giới, theo bảng xếp hạng CoinMarketCap.
Brian Kelly - CEO và đồng thời là nhà sáng lập của BKCM nhận định đây chỉ là giai đoạn đầu tiên trong thị trường tăng giá kéo dài đến nhiều năm. Sẽ có những lúc giá trị đồng Bitcoin đổ vỡ trong một quãng thời gian dài nhưng cuối cùng, Bitcoin vẫn sẽ là tài sản mà nhiều người muốn nắm giữ.
Đồng quan điểm với giới quan sát, tỷ phú Mark Cuban công nhận công nghệ blockchain - công nghệ đằng sau Bitcoin và những đồng tiền ảo mới có tiềm năng cực kỳ lớn. Khi dòng tiền mạnh mẽ đổ vào Bitcoin, mã token của đồng Ethereum - được cho là Bitcoin 2.0 - cũng đã chạm đỉnh 300 USD.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bitcoin đã tăng 200% giá trị, áp đảo mọi chỉ số chính của tất cả thị trường chứng khoán trên thế giới, bao gồm S&P 500 và Nasdaq.
Nền tảng mong manh
Thị trường đầu cơ mạnh dẫn đến rất mong manh và dễ đổ vỡ. Mọi sự dao động về tâm lý sẽ khiến giá trị đảo chiều rất nhanh và mạnh. Bitcoin có thể sẽ tan biến. Bên cạnh giá trị lớn, lợi nhuận hấp dẫn, Bitcoin được cho là quả bong bóng khổng lồ.
Tờ Economist so sánh Bitcoin cũng giống như bong bóng dot-com những năm 90, và sự kiểm soát nghiêm khắc của chính phủ các nước có thể sẽ chọc thủng quả bóng này.
Bên cạnh đó, Bitcoin cũng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Ngày 12/5, virus WannaCry tấn công toàn thế giới và yêu cầu tiền chuộc bằng Bitcoin. Ngày 12/6, sàn BTC-e bị tấn công dẫn đến tê liệt. Ngày 14/6, Bitfinex - sàn giao dịch Bitcoin bằng đồng USD lớn nhất nước Mỹ đã bị tấn công theo hình thức DDoS khiến website dừng hoạt động lần thứ hai trong chưa đầy một tuần.
Thông qua việc đánh sập một hay một vài sàn giao dịch lớn, giá Bitcoin tăng giảm bất thường và tội phạm mạng sẽ thao túng thị trường, ăn chênh lệch. Samuel Lee - sáng lập viên công ty quản lý tài sản SVRN ở Chicago cho rằng Bitcoin là loại tài sản chưa đến 10 năm tuổi, khá trẻ và biến động giá mạnh, chủ yếu được điều chỉnh bởi yếu tố đầu cơ. Một chu kỳ kinh tế thông thường kéo dài đến 69 tháng, tức gần 6 năm, có tác động đến biên độ tăng - giảm giá cổ phiếu.
Thế nhưng, một chu kỳ của Bitcoin chỉ khoảng 1 năm, và rất khó dự đoán, không giống bất cứ sản phẩm tài chính nào. Ví dụ, kể từ khi đạt đỉnh 3.000 USD hôm 12/6, chỉ 3 ngày sau đó, giá trị đồng Bitcoin đã giảm kỷ lục, bốc hơi 12,16 tỷ USD, mất 18,3% so với ngày trước đó. Trong khi đó, việc giảm giá trị Bitcoin hôm 15/6 được cho là gặp vấn đề giới hạn kích thước khối (block size), khiến nhiều nhà đầu tư đã chuyển kênh đầu tư sang đồng tiền khác.
Tất cả cho thấy, đây là một thị trường rất mong manh.