Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi, bứt phá, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ là cơ hội quý để Việt Nam phải tận dụng nắm bắt, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, doanh nghiệp là nhân tố chính hưởng lợi từ cuộc cách mạng này phải là đối tượng tiên phong.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn: internet
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn: internet

Một số rào cản từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0

Theo nhận định của Công ty ReedTradex (Thái Lan), việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp của Việt Nam giảm 3,6% chi phí hoạt động và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm. Quan trọng hơn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với không ít rào cản, cụ thể:

Một là, rào cản trong xây dựng chính sách. Hoạch định chính sách trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức phổ biến với hầu hết các quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Hai yếu tố quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này là internet và công nghệ số cho phép tạo ra những giá trị số hóa, phương thức giao dịch chưa từng có trong lịch sử (chẳng hạn như quản lý như thế nào đối với tiền điện tử Bitcoin, dịch vụ vận chuyển Uber…).

Thực tế này cho thấy, chính sách và pháp luật đã không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Những tài sản “mới” xuất hiện giờ đây không thể được quản lý theo phương thức truyền thống mà cần có những chính sách và hành lang pháp lý mới. Nếu các khuôn khổ pháp lý không hoàn thiện và không thể bắt kịp với sự phát triển nhanh của công nghệ số nói riêng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, thì sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng DN.

Hai là, nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng DN về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế.Một khảo sát mới đây được thực hiện với 2.000 DN thuộc Hiệp hội DNVVV Hà Nội cho thấy, có đến 79% DN trong số này trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% DN đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% DN đang triển khai các biện pháp ứng phó. Đối với các DN không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% DN cho biết, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của DN không bị tác động nhiều; 76% DN cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, có đến 54% khẳng định “chưa có nhu cầu quan tâm”. Kết quả này phần nào khẳng định, nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng DN vẫn còn hạn chế. Thực tế khảo sát, thăm dò của tác giả cũng cho thấy, nhiều DN vẫn chưa hiểu cuộc cách mạng này sẽ tác động như thế nào đến họ.

Ba là, rào cản về đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong những năm qua, dù cộng đồng DN đã nỗ lực đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, song thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các DN xuất nhập khẩu cho thấy, mới chỉ có 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website (Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2017, Bộ Công Thương).

Về mặt hạ tầng công nghệ, hiện chỉ có các ngân hàng có tiềm lực tài chính và tiên phong trong đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tin. Trong khi đó, phần lớn các DN có quy mô vừa và nhỏ nên chưa thực sự quan tâm.

Bốn là, chủ thể tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Cộng đồng DN là một trong những chủ thể quan trọng tham gia và quyết định sự thành công. Tuy nhiên, đa phần các DN của Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và vừa, nền tảng quản trị, tài chính và công nghệ yếu.

Tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Về mặt chính sách, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN nói riêng, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công.

Theo đó, Chính phủ phải tạo hành lang  pháp lý để DN, start-up công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ DN truyền thống phát triển mạnh hơn. Các quy định của pháp luật và các cơ chế chính sách cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo tạo môi trường pháp lý, kinh doanh, thuận lợi, bình đẳng cho ứng dụng cho công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng…

Về tuyên truyền nhận thức, cần tăng cường nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN về xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, BộThông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức để toàn xã hội và cộng đồng DN hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Rõ ràng, cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ mà là của toàn xã hội, đặc biệt là DN bất cứ quy mô nào.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và DN để cung cấp một môi trường thực hành cao giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.

Về công tác nghiên cứu và phát triển, Việt Nam cũng cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhận tạo, công nghệ sinh học… Việt Nam cần có chiến lược để xây dựng bằng được các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực này; Cần sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, các DN cần nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng chúng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong tương lai, đổi mới về công nghệ sẽ tạo ra một phép màu cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các DN phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến (rô bốt bán tự động, điện toán đám mây…) để giản tiện quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… 

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4/2017 diễn ra tại Hà Nội;

2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2017), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017;

3. Hương Quỳnh (2017), Không để lỡ tàu khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử Vietnamnet;

4. Thành Đạt (2017), Cách mạng 4.0 và bàn tay Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ.