Bloomberg: Có rủi ro của một “cuộc chiến tiền tệ” ngược sẽ xảy ra trên thế giới

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Cuộc chiến tiền tệ ngược xảy ra khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước đưa ra tỷ giá hối đoái mạnh mẽ hơn nhằm ngăn lạm phát leo thang.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào tốc độ tăng lãi suất cơ bản đồng USD mạnh tay nhất tính từ năm 2020 trên các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, thực tế này gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách kinh tế - những người muốn làm chậm đà tăng của lạm phát mà không gây tổn hại đến các nền kinh tế, theo nội dung mới được Bloomberg đăng tải.

Đây chính là chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc họp trực tuyến lần này của những người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước tại Jakarta vào ngày thứ Năm và ngày thứ Sáu, cuộc họp đầu tiên của họ trong năm nay.

Rõ ràng quan điểm này của họ khác hẳn với khi họ gặp nhau vào tháng 10/2021, ở thời điểm đó, chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn coi lạm phát như yếu tố thời điểm và thị trường khi đó vẫn dự báo về khả năng tối đa sẽ có 2 đợt nâng lãi suất của Fed trong năm nay.

Giờ đây, thị trường đang dự báo về 6 lần nâng lãi suất cơ bản đồng USD của Fed. Trong nhóm các nền kinh tế phát triển G-10, các hợp đồng hoán đổi cho thấy trung bình ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất khoảng 1 điểm phần trăm trong 1 năm, mức độ siết chặt lãi suất mạnh tay nhất tính từ tháng 1/2010, tính toán của Bloomberg cho hay.

Tình thế này khiến các nhà hoạch định chính sách khó điều chỉnh dự báo trong bối cảnh tăng trưởng chững lại, rủi ro chiến tranh, giá dầu tăng cao và đại dịch giờ đã kéo dài sang năm thứ 3.

Nhà điều hành quỹ Eurizon SLJ Capital, ông Stephen Jen, nhận định: “Thị trường rồi cũng sẽ phải chấp nhận sự chênh lệch rất xa, không chỉ trong kỳ vọng lạm phát giữa các nền kinh tế mà còn bởi các bối cảnh quá khác nhau. Trong cuộc họp của G-20, vấn đề này sẽ được quan tâm nhiều nhất”.

Chủ tịch Fed tại San Francisco, bà Mary Daly, nói với CBS vào ngày Chủ Nhật rằng ngân hàng trung ương cần theo dõi chặt chẽ dựa trên các số liệu khi mà bắt đầu tính đến việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD nhằm đảm bảo ổn định sau khi lạm phát Mỹ lên cao nhất tính từ năm 1982.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, cảnh báo việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ gây tổn hại đến sự phục hồi của kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu từ đại dịch COVID-19. Ngân hàng Trung ương Anh đã nâng lãi suất 2 lần trong những tháng gần đây, tuy nhiên thống đốc Andrew Bailey đã thận trọng nói rằng triển vọng giờ vẫn còn nhiều bất ổn.

Tại Nhật, nơi mà lạm phát hiện vẫn đang được kiềm chế, ngân hàng trung ương đã có quan điểm mua trái phiếu không hạn chế nhằm kìm hãm lợi suất và ngăn chặn làn sóng đầu cơ của những nhà đầu tư đang muốn “thử thách” chính sách siêu dễ dãi của ngân hàng trung ương.

Vào ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế bằng việc bơm tiền mặt thông qua các khoản vay chính sách đến tháng thứ 2. Một số nền kinh tế mới nổi khác trong đó bao gồm Brazil và Nga đã không ngừng nâng lãi suất cơ bản.

Ngay lúc này, nhiều chiến lược gia của thị trường đang dự báo nhiều hơn về khả năng sẽ có các “cuộc chiến tiền tệ” ngược khi mà chính phủ lựa chọn tỷ giá hối đoái mạnh hơn nhằm ngăn lạm phát leo thang.

Nhìn chung, triển vọng chính sách toàn cầu khó mà thống nhất, đây thực sự là thách thức cho người đứng đầu các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính.

Đối với những thị trường mà người ta đã dự báo rõ hơn về lãi suất, điều kiện có thể thay đổi khi mà chi phí lãi vay tăng lên. Đường cong lợi suất đã phẳng hơn và đang hướng đến các mức thấp của trước đại dịch COVID-19. Như vậy rõ ràng nhà đầu tư tin việc nâng lãi suất sẽ đủ mạnh để có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Nhà đầu tư vào tuần trước đã bắt đầu tính đến khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm 2024. Chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg đã giảm 3% tính từ ngày 31/12/2021, ngưỡng khởi đầu thấp nhất tính từ năm 1990.