Bloomberg: Việt Nam trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng thanh toán không dùng tiền mặt
Chỉ 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng và hơn 95% thanh toán được thực hiện bằng vàng và tiền mặt. Cùng lúc đó mới chỉ 4,1% người Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng
Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thế nhưng Việt Nam vẫn còn khá chậm chạp trong việc hòa mình vào xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới. Câu chuyện của anh Trần Văn Nhân dưới đây có thể minh chứng rõ nhất cho điều này, theo bài đăng mới đây trên Bloomberg.
Anh Nhân cho biết mới đây anh đã mua căn hộ hai phòng ngủ tại Hà Nội bằng vàng và rất nhiều tiền mặt. Chủ kinh doanh 47 tuổi này cho biết: “Chúng tôi thanh toán một nửa bằng vàng miếng và phần còn lại bằng tiền mặt. Chúng tôi làm vậy bởi tôi và người chủ sở hữu căn nhà không muốn chuyển khoản ngân hàng. Chúng tôi đã quen với việc mua hàng bằng tiền mặt và vàng”.
Chính phủ Việt Nam đã rất khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán số, giảm lượng USD trong lưu thông và cố gắng khuyến khích người dân sử dụng đồng nội tệ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mang đến thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và công cụ thanh toán số thay cho việc mang theo quá nhiều tiền mặt và vàng để mua hàng.
Đằng sau việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán số chính là nỗi băn khoăn của giới chức Việt Nam về chi phí in ấn tiền và nguyện vọng muốn có lịch sử thanh toán minh bạch nhằm ngăn việc trốn thuế và rửa tiền, tình trạng này vẫn ngày một tồi tệ hơn tại nền kinh tế có quy mô 237 tỷ USD này.
Để hiện thực hóa được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, chắc chắn giới chức Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm khi mà thống kê mới nhất cho thấy chỉ 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng và khoảng hơn 95% thanh toán được thực hiện bằng vàng và tiền mặt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Mọi chuyện nằm ở vấn đề văn hóa. Nó đang kéo lùi Việt Nam lại. Chính phủ thừa nhận rằng đã đến lúc cần hội nhập kinh tế Việt Nam sâu hơn nữa với thế giới, nền kinh tế dựa trên tiền mặt cần phải thay đổi”.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thanh toán của nước này. Chính phủ đang đề nghị các ngân hàng giảm lượng tiền mặt trong lưu thông xuống khoảng dưới 10% vào thời điểm năm 2020. Thương mại điện tử đang được khuyến khích tại các trung tâm mua sắm và siêu thị ở các thành phố lớn, chính phủ Việt Nam muốn có ít nhất 70% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng.
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đưa ra chính sách thuyết phục thêm người tiêu dùng sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử, ví như mã QR. Vào tháng 1/2019, một quy định mới được thông qua theo đó các bên cung cấp dịch vụ công, từ trường học cho đến bệnh viện, cho đến cuối tháng 12/2019 sẽ phải ngừng nhận tiền mặt.
Tuy nhiên, sự thận trọng là cần thiết. Câu chuyện của Hàn Quốc trước đây nhắc người ta luôn cần cẩn trọng khi cả xã hội muốn sử dụng quá nhanh và quá nhiều thẻ tín dụng. Một đợt vỡ nợ đầu thập niên 2000 dẫn đến nợ nần tại các hộ gia đình chồng chất. Ở thời điểm năm 2004, cứ 13 người Hàn Quốc lại có 1 người bị trả chậm nợ khoảng từ 3 tháng trở lên, 2/3 trong số đó vỡ nợ thẻ tín dụng.
Không giống tại Trung Quốc, nơi có thị trường thanh toán trên điện thoại di động lớn nhất thế giới, phần lớn người Việt Nam vẫn sử dụng tiền giấy và kim loại quý để mua mọi loại hàng hóa mà họ muốn, từ rau quả cho đến ô tô. Các chủ kinh doanh phải đến ngân hàng hàng tuần, mang theo bao tải tiền to như bao tải của ông già Noel trên yên xe máy.
Việt Nam dường như chuẩn bị bước vào một cuộc cách mạng về phương tiện thanh toán, phần lớn người trẻ tuổi yêu thích công nghệ, 70% trong số họ sử dụng điện thoại thông minh và dễ dàng tiếp cận với hệ thống thanh toán số được cung cấp bởi nhiều công ty công nghệ.
Amazon và Alibaba cũng như nhiều công ty thương mại điện tử lớn của thế giới đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, doanh thu của nhóm này lên mức 8 tỷ USD trong năm 2018, gấp đôi so với 3 năm trước khi mà đến 30% dân số mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên các giao dịch thanh toán này vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.
Cùng lúc đó mới chỉ 4,1% người Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng, theo tính toán của ngân hàng Standard Chartered. Một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại TP. Hồ Chí Minh nói: “Khoảng 80% khách hàng của chúng tôi thanh toán bằng tiền mặt và tôi cũng muốn nhận tiền mặt hơn nhận tiền qua thanh toán thẻ”. Máy quẹt thẻ trong cửa hàng của cô bị bụi phủ mờ. Cô cho rằng dù chính phủ rất khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt thế nhưng sẽ còn lâu người ta mới sử dụng nó thường xuyên.