Bộ Công Thương lấy ý kiến về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại

Bích Hà

Chiều 27/5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến, lấy ý kiến địa phương về dự thảo Nghị định phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Hội nghị lấy ý kiến về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Hội nghị lấy ý kiến về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Hội nghị trực tuyến nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tuân thủ nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền của Luật Tổ chức Chính phủ 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư và Kế hoạch số 447/KH-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã thông tin về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết tâm cao, Bộ Công Thương đã triển khai việc rà soát, xây dựng phương án phân cấp, phân quyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Để triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát 685 văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng.

Kết quả rà soát cho thấy có 901 nội dung quy định nhiệm vụ, thẩm quyền tại 109 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 07 luật; 36 Nghị định; 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 61 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương) có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền quản lý nhà nước của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ) và địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

Trong đó, tổng số nhiệm vụ thuộc nhóm quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, kiểm tra không thuộc phạm vi phân cấp, phân quyền là 470; Tổng số nhiệm vụ thuộc nhóm quản lý nhà nước phải phân cấp, phân quyền là 371.

Trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo đó, dự thảo Nghị định mới nhất đã đề xuất phân quyền, phân cấp bổ sung cho chính quyền địa phương 30 nhiệm vụ trong các lĩnh vực Chất lượng sản phẩm hàng hóa (15 nhiệm vụ); An toàn kỹ thuật công nghiệp (8 nhiệm vụ); Bảo vệ người tiêu dùng và quản lý bán hàng đa cấp (7 nhiệm vụ).

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại dự thảo Nghị định đã thực hiện phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208 nhiệm vụ/401 tổng số nhiệm vụ, quyền hạn cần phân quyền, phân cấp. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề xuất phân quyền, phân cấp từ Trung ương xuống chính quyền địa phương chiếm tỉ lệ 52% tổng số nhiệm vụ cần phân quyền, phân cấp.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi thẳng thắn, góp ý trực tiếp đối với các nội dung dự thảo Nghị định của các đại biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe, cầu thị tiếp thu các ý kiến góp ý của các địa phương, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, rà soát thật kỹ để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong thời gian cho phép.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về việc xây dựng các Nghị định phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Theo đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai xây dựng 2 nghị định về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo nhiệm vụ Chính phủ giao.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu, đối với dự thảo Nghị định quy định phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại: Bộ Công Thương tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng nguyên tắc; báo cáo rõ lý do (cơ sở pháp lý, thực tiễn...) đối với các nhiệm vụ không đề xuất phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Hoàn thiện dự thảo nghị định theo mẫu được Bộ Tư pháp hướng dẫn chung, trong đó, lưu ý việc bổ sung quy định về trình tự, thủ tục để cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp. Nghiên cứu thực hiện theo ý kiến của Bộ Tư pháp về quy định thủ tục hành chính được phân quyền, phân cấp theo hướng linh hoạt có thể quy định cụ thể trong Nghị định (nếu số lượng ít) hoặc Chính phủ giao Bộ trưởng hướng dẫn cụ thể sau khi Nghị định được ban hành.

Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho doanh nghiệp nhà nước: Tại Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 13/5/2025, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ về việc ủy quyền phê duyệt đối với một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.