Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và đề xuất cho Việt Nam

Lê Hoàng

Tháng 6/2009, Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) phối hợp với Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đã ban hành Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. Trên cơ sở những thay đổi quan trọng của Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của IADI, bài viết có một số kiến nghị đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giới thiệu chung về Bộ các nguyên tắc cơ bản

Tháng 6 năm 2009, Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) phối hợp với Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) đã ban hành Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. Tài liệu hướng dẫn Phương pháp đánh giá mức độ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả được hoàn thành và công bố vào tháng 12 năm 2010. Từ đó, hai tài liệu trên (gọi tắt là Bộ các nguyên tắc cơ bản) được nhiều tổ chức sử dụng như kim chỉ nam để đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG), từ đó tìm ra những điểm hạn chế trong quá trình hoạt động và cách thức khắc phục.

Bộ các nguyên tắc cơ bản đã được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) sử dụng trong phạm vi Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) với mục tiêu đánh giá tính hiệu quả của hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại các quốc gia. Đối với Việt Nam, trong quá trình thực hiện chương trình FSAP tại Việt Nam, IMF và WB cũng đã áp dụng Bộ các nguyên tắc cơ bản như một tài liệu tham khảo để đưa ra một số khuyến nghị đối với hệ thống bảo hiểm tiền gửi.

Năm 2012, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã tiến hành tự đánh giá hệ thống bảo hiểm tiền gửi qua đề tài nghiên cứu ứng dụng “Đánh giá mức độ tuân thủ của hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam so với Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả” từ đó đưa ra những đề xuất cải tiến hệ thống BHTG. Bộ nguyên tắc cơ bản cũng đã được các cơ quan Chính phủ và Quốc hội tham khảo trong quá trình xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam.

Khủng hoảng tài chính đặt ra yêu cầu thay đổi

Sau khủng hoảng tài chính 2008, nhiều chính phủ đã nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc duy trì niềm tin của người gửi tiền, nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi được trang bị thêm những công cụ xử lý đổ vỡ bên cạnh chức năng cơ bản là trả tiền bảo hiểm. Số liệu khảo sát của IADI cho thấy năm 2005 chỉ có khoảng 50% tổ chức bảo hiểm tiền gửi thành viên có chức năng xử lý đổ vỡ, tới năm 2011 con số này đã là 65%. Sự thay đổi của hệ thống tài chính và vai trò của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi sau khủng hoảng đã đặt ra yêu cầu phải cập nhật Bộ các nguyên tắc cơ bản theo hướng đảm bảo sự độc lập của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình hoạt động, cung cấp thêm các công cụ cần thiết để tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đồng thời thể hiện vai trò tích cực hơn trong mạng an toàn tài chính quốc gia (bao gồm các cơ quan chủ chốt phối hợp hoạt động nhằm giữ vững an toàn hệ thống tài chính quốc gia).

Trên cơ sở đó, IADI đã chủ trì việc sửa đổi Bộ các nguyên tắc cơ bản với sự tham gia của đại diện các tổ chức BCBS, Ủy ban châu Âu (EC), Diễn đàn các tổ chức bảo hiểm tiền gửi châu Âu (EFDI), Ủy ban ổn định tài chính (FSB), IMF, WB. Tháng 10 năm 2014, Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi mới đã được hoàn thành và đệ trình tới Ủy ban ổn định tài chính (FSB) nhằm tích hợp vào “Bộ các tiêu chuẩn quốc tế về ổn định tài chính”.

Những thay đổi cơ bản

Bộ tài liệu mới đã được cơ cấu lại một cách hợp lý hơn trên cơ sở thực hiện những thay đổi cơ bản sau:

- Củng cố một số nguyên tắc liên quan tới quản trị, trả tiền bảo hiểm, hạn mức BHTG, cấp vốn và tăng cường đảm bảo an toàn sử dụng vốn, trả tiền bảo hiểm, nhận thức của công chúng, hạn mức, rủi ro đạo đức, các vấn đề xuyên quốc gia...

- Cập nhật các nguyên tắc liên quan tới can thiệp và xử lý đổ vỡ nhằm phản ánh thực tế vai trò ngày càng lớn hơn của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc xử lý đổ vỡ, đồng thời để đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn của FSB.

- Bổ sung thêm nguyên tắc về việc lập kế hoạch dự phòng khủng hoảng và xử lý khủng hoảng.

- Tích hợp những nội dung đặc biệt về hệ thống bảo hiểm tiền gửi Hồi giáo, phổ biến kiến thức tài chính, nhiều hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong cùng quốc gia, và về ưu tiên đối với người gửi tiền.

- Đề cập tới rủi ro đạo đức trong tất cả các nguyên tắc có liên quan, thay vì chỉ giới hạn vấn đề rủi ro đạo đức trong một nguyên tắc duy nhất.

- Nâng cấp một số tiêu chuẩn bổ sung trở thành tiêu chuẩn cơ bản dùng để đánh giá.

Sau khi sửa đổi, Bộ nguyên tắc mới có 16 nguyên tắc cơ bản thay vì 18 nguyên tắc trong Bộ cũ), bao gồm tất cả 96 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết.

Một số thay đổi quan trọng

Mối quan hệ với các thành viên mạng an toàn tài chính (Nguyên tắc 4)

Nguyên tắc này tiếp tục đề cập đến tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin (thường xuyên và đột xuất) và phối hợp hành động giữa các cơ quan có vai trò giữ vững ổn định tài chính. Đặc biệt, Bộ nguyên tắc sửa đổi nhấn mạnh việc các cơ quan cần có những quy định chính thức về việc phối hợp hành động và đảm bảo bí mật thông tin được chia sẻ giữa các bên. Nguyên tắc mới cũng bổ sung trường hợp có nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi cùng hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia, khi đó cần phải có các cơ chế phối hợp và chia sẻ hiệu quả.

Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc lập kế hoạch dự phòng và xử lý khủng hoảng (Nguyên tắc 6)

Đây là nguyên tắc hoàn toàn mới trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cụ thể nguyên tắc này khuyến cáo tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có sẵn các kế hoạch đối phó với khủng hoảng (trước khủng hoảng) cũng như những biện pháp xử lý tình huống khủng hoảng (trong khủng hoảng), trên nguyên tắc hành động phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính. Các cuộc mô phỏng tập dượt xử lý khủng hoảng sẽ có tác dụng giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như các cơ quan khác có kỹ năng ứng phó tốt hơn với khủng hoảng. Nguyên tắc này cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trước và sau khủng hoảng nhằm duy trì nhận thức đầy đủ và ổn định của công chúng về hệ thống tài chính.

Nguồn và vấn đề sử dụng vốn quỹ (Nguyên tắc 9)

Ngoài những nội dung cơ bản phát huy từ Nguyên tắc 11 của Bộ nguyên tắc cũ với việc nhắc lại vai trò của việc luôn đảm bảo nguồn vốn thực hiện chức năng cốt lõi là trả tiền bảo hiểm và xử lý đổ vỡ, Nguyên tắc này có những thay đổi chính như sau:

- Việc cấp vốn cho hệ thống bảo hiểm tiền gửi được thực hiện trên cơ sở cấp vốn trước. Nguyên tắc này không đề cập tới hai loại khác là cấp vốn sau và cấp vốn hỗn hợp như trong Bộ nguyên tắc cũ đã nêu.

- “Quy mô quỹ mục tiêu”: khái niệm này được đề cập rõ ràng trong Nguyên tắc này, khác với Bộ nguyên tắc cũ, trong đó chỉ nói sơ qua về “tỷ lệ dự trữ vốn quỹ”. Khi áp dụng cơ chế cấp vốn trước, tức là xây dựng quỹ bảo hiểm tiền gửi từ các nguồn thu trước khi xảy ra đổ vỡ, cần xác định một mức quỹ phù hợp đủ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện các nghĩa vụ, từ đó áp dụng mức phí phù hợp cho các thành viên. Mức quỹ này thường được xác định theo tỷ lệ quy mô quỹ bảo hiểm tiền gửi trên tổng số dư tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.

- Nguyên tắc này cũng khuyến cáo hạn chế việc đầu tư quỹ bảo hiểm tiền gửi vào các ngân hàng. Việc ủy quyền sử dụng quỹ bảo hiểm tiền gửi vào việc xử lý đổ vỡ (khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi không phải là cơ quan xử lý) được nêu khá chi tiết. Ngoài ra, Nguyên tắc này cũng đề cập tới việc áp thuế cho các khoản thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, theo đó việc đánh thuế sẽ không được ảnh hưởng tới việc tích lũy quỹ bảo hiểm tiền gửi.

Nguyên tắc về nhận thức của công chúng (Nguyên tắc 10)

Nguyên tắc này đề cập toàn diện hơn về hoạt động truyền thông công chúng trên hai cơ sở: mang tính định kỳ và mang tính sự kiện (đổ vỡ, khủng hoảng). Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng cần đặt ra chiến lược dài hạn về truyền thông, tổ chức đánh giá mức độ nhận thức của công chúng qua thời gian. Nguyên tắc này cũng đặt tình huống truyền thông khi có vấn đề xuyên quốc gia, những thông tin cần chia sẻ và cơ chế chia sẻ thông tin.

Vấn đề rủi ro đạo đức

Bộ các nguyên tắc cơ bản cập nhật lưu ý tới vấn đề giảm thiểu rủi ro đạo đức[1] xuyên suốt các nguyên tắc cơ bản liên quan, tiêu biểu là ở các nội dung phạm vi và hạn mức bảo hiểm có giới hạn, phí bảo hiểm phân biệt theo rủi ro, cơ chế can thiệp và xử lý kịp thời... Các công cụ giảm thiểu rủi ro được sử dụng bao gồm quản trị tốt, quản lý rủi ro hiệu quả tại các ngân hàng, truy cứu trách nhiệm các bên gây ra đổ vỡ, kỷ luật thị trường, cơ chế giám sát và các quy định an toàn hiệu quả...

Một số thay đổi khác

Các nguyên tắc về xử lý các bên gây ra đổ vỡ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, xử lý đổ vỡ, chi trả cho người gửi tiền, thu hồi… kế thừa những nội dung từ Bộ nguyên tắc cũ, tuy nhiên cũng như tất cả các nguyên tắc khác, chúng đều được diễn đạt lại một cách ngắn gọn, logic hơn, đồng thời được bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, tăng cường các chức năng can thiệp và xử lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Chẳng hạn như nguyên tắc về Xử lý đổ vỡ (Nguyên tắc 14), khẳng định tổ chức bảo hiểm tiền gửi nếu được trang bị chức năng xử lý đổ vỡ sẽ thực hiện tốt hơn vai trò bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính. Khung pháp lý cần quy định cơ chế xử lý đặc biệt, trong đó không phân biệt người gửi tiền khác nhau về quốc tịch hay nơi ở.

Nguyên tắc về Chi trả cho người gửi tiền (Nguyên tắc 15) nêu cụ thể thời gian chi trả cho người gửi tiền là 7 ngày làm việc kể từ khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, Nếu quốc gia nào chưa đáp ứng tiêu chuẩn thì cần có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Đề xuất với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Trên cơ sở những thay đổi quan trọng của Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của IADI, tác giả xin có một số kiến nghị đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như sau:

1. Tiến hành đánh giá lại hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam theo Bộ nguyên tắc cơ bản được cập nhật. Việc đánh giá toàn hệ thống đã được thực hiện trong phạm vi một đề tài nghiên cứu trong năm 2012, tuy nhiên đó là thời điểm giao thoa giữa cơ sở pháp lý cũ và mới (Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực từ 1/1/2013). Thời điểm hiện nay là cơ hội tốt để đánh giá lại hệ thống bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam trên cơ sở là hơn 2 năm thực thi Luật BHTG, cùng với Bộ các nguyên tắc cơ bản cập nhật vừa được ban hành. Kết quả đánh giá sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển dài hạn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam dự kiến thực hiện trong năm 2015.

2. Xây dựng Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong đó phản ánh các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của IADI.

3. Một số đề xuất về nghiệp vụ: (i) Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền lập kế hoạch dự phòng và xử lý khủng hoảng trong đó xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong đó có tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính, ngân hàng. (ii) Xây dựng tỷ lệ quỹ mục tiêu và kiến nghị với các cơ quan cho phép áp dụng hệ thống phí trên cơ sở rủi ro nhằm đạt được quỹ mục tiêu đã đề ra. (iii) Hoàn thiện Chiến lược truyền thông nhằm tổ chức một cách bài bản hoạt động truyền thông trong giai đoạn kinh tế phát triển thông thường và đặc biệt có kế hoạch truyền thông khi xảy ra khủng hoảng. (iv) Xây dựng kế hoạch cải tiến phương pháp chi trả bảo hiểm tiền gửi nhằm rút ngắn thời gian chi trả xuống gần với mục tiêu 7 ngày được đặt ra trong Bộ nguyên tắc cập nhật.


Tài liệu tham khảo:

1. BCBS/IADI, Core Principles for effective deposit insurance systems – A methodology for compliance assessment, 2010

2. IADI, IADI Core principles for effective deposit insurance systems, 2014

3. http://iadi.org/default.asp



[1] Rủi ro đạo đức” xảy ra khi một người hoặc một tổ chức chấp nhận hoạt động rủi ro để đổi lấy lợi ích cho mình, bởi họ yên tâm rằng chi phí xử lý rủi ro (nếu có) sẽ do bên khác gánh chịu một phần hoặc toàn bộ. Đối với lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, nếu người gửi tiền yên tâm rằng họ được bảo vệ bởi cơ chế bảo hiểm tiền gửi, họ sẽ không xem xét kỹ lưỡng độ an toàn của ngân hàng khi lựa chọn nơi gửi tiền. Tương tự, các ngân hàng nếu yên tâm rằng rủi ro đổ vỡ sẽ được bảo hiểm tiền gửi chia sẻ sẽ chấp nhận nhiều hoạt động rủi ro hơn nhằm đổi lại lợi nhuận cao hơn.