TPP và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình hội nhập
Khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành ngân hàng Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong bối cảnh này được thể hiện như thế nào và định hướng chính sách ra sao để góp phần giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn của quá trình hội nhập là những câu hỏi đang được dư luận quan tâm.
TPP và những đổi thay đối với hệ thống tài chính – ngân hàng
Mới đây, Việt Nam với 11 nước đã hoàn tất thỏa thuận đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, việc gia nhập TPP sẽ mang lại những cơ hội phát triển cũng như những thách thức lớn. Sau khi TPP chính thức có hiệu lực, trên mọi lĩnh vực, Việt Nam sẽ không được phép phân biệt đối xử giữa các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước với các ngân hàng tư nhân và nước ngoài khác.
Hiệp định TPP là dịp để các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam được trực tiếp cạnh tranh với những ngân hàng nước ngoài mạnh về tài chính, chuyên nghiệp về quản trị, điều hành, hiện đại về công nghệ, từ đó có điều kiện tiếp cận gần hơn với chuẩn quốc tế, phát triển phong phú về các sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị và tài chính. Việc gia nhập TPP cũng giúp các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hiệp định TPP tạo triển vọng cho NHTM đạt mức tăng trưởng mạnh khi những dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, tài chính tăng mạnh, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam. Các ngân hàng trong nước, nếu phát triển tốt, có thể mở rộng thị trường và gia tăng hợp tác quốc tế.
Ngoài những cơ hội từ gia nhập TPP, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. So với các nước tham gia TPP, thị trường Việt Nam vẫn được coi là thị trường mới, còn nhiều tiềm năng chưa khai phá do khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều. Chính điều này sẽ tăng cơ hội cho các ngân hàng quốc tế tiếp cận thị phần khách hàng trong nước, từ đó ảnh hưởng tới thị trường của ngân hàng trong nước.
TPP không cho phép cơ quan quản lý nhà nước đặt ra giới hạn quy mô của các tổ chức tài chính ngân hàng ở Việt Nam, cấm áp dụng các biện pháp kiểm soát lưu chuyển vốn vào ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vốn có tác dụng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính cũng như nhiều công cụ hữu hiệu khác…
Do đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ bị đặt trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro lớn hơn. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan này là tăng cường công tác kiểm soát rủi ro tài chính, rủi ro đạo đức và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cần đưa ra chính sách nới “room” phù hợp để các NHTM nội địa vẫn nhận được vốn đầu tư từ nước ngoài nhưng không bị thâu tóm, có những bước chuyển chính sách nhịp nhàng để các ngân hàng trong nước kịp thời bắt nhịp với những thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, để vượt qua những thách thức, các NHTM phải luôn ý thức làm mới mình thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng cường vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập TPP với nhiều thách thức, là định chế tài chính nhà nước có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cần hoạt động tích cực hơn nữa, phát huy vai trò của mình thông qua những hoạt động cụ thể.
Củng cố niềm tin người gửi tiền: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, đồng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của các ngoại tệ mạnh. Hiện tại, BHTGVN đang chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng Việt Nam Đồng.
Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần chống đô la hóa, nâng cao niềm tin vào đơn vị tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường tài chính vận hành với nhịp độ nhanh, khối lượng lớn, số lượng các ngân hàng sáp nhập, chuyển đổi, thậm chí là phá sản có thể sẽ gia tăng, khiến cho người gửi tiền có tâm lý lo ngại.
Việc BHTGVN bảo vệ cho tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với một hạn mức hợp lý sẽ tạo tâm lý yên tâm, góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn, ngăn chặn rút tiền đột biến đe dọa đến an toàn thanh khoản của các ngân hàng.
Góp phần duy trì an toàn hệ thống bằng các công cụ kiểm tra, giám sát: BHTGVN là một công cụ chính sách hữu hiệu của NHNN và của Chính phủ. Thông qua các nghiệp vụ về giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN phát hiện những dấu hiệu rủi ro, biểu hiện yếu kém, vi phạm các quy định về bảo hiểm tiền gửi, an toàn trong hoạt động ngân hàng, từ đó đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hoặc báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý.
Sau khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, BHTGVN cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát an toàn tài chính như Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng…
Khích lệ cạnh tranh bình đẳng giữa các TCTD: Trong cuộc chạy đua thị phần khách hàng, thông thường lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, với sự hiện diện của chính sách BHTG, khoảng cách đó sẽ được rút ngắn dần, bởi vai trò của BHTGVN là góp phần đảm bảo an toàn hệ thống chứ không chỉ đối với riêng một TCTD đơn lẻ nào.
Chính điều đó tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các TCTD. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng tham gia thúc đẩy kỷ luật thị trường. Với các khung pháp lý, kỷ luật thị trường sẽ khiến các thành viên tham gia thị trường dùng sự hiểu biết của mình để theo dõi hệ thống tài chính - ngân hàng, giúp hệ thống tổ chức tài chính hoạt động an toàn, nhà đầu tư hạn chế tối đa rủi ro thua lỗ.
Phát triển mô hình BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế: Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia thành lập hệ thống BHTG. Tại những nước có nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng phát triển mạnh (tiêu biểu là Mỹ, Nhật…), công cụ BHTG rất được coi trọng và sử dụng hiệu quả.
Tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình BHTG hiệu quả thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong khía cạnh đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng.
Trong thời gian qua, BHTGVN đã tích cực triển khai áp dụng bộ Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả do Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) xây dựng, qua đó từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Chính sách BHTG góp phần nâng cao uy tín của các NHTM: Tham gia Hiệp định TPP, các NHTM sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài, kết hợp với các đối tác quốc tế. Sự hiện diện của BHTGVN đã thể hiện một cách cụ thể cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền. Việc tham gia BHTG giúp uy tín các NHTM tăng lên, các NHTM Việt Nam ngày càng hiện đại và hoạt động lành mạnh.
BHTGVN sẽ tham gia giải quyết các vấn đề BHTG xuyên biên giới: Vấn đề nghiệp vụ ngân hàng xuyên biên giới đang và sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực. Quy mô đảm bảo an toàn hệ thống do BHTGVN chịu trách nhiệm sẽ ngày càng lớn.
Trong những vấn đề bảo hiểm tiền gửi xuyên biên giới, BHTGVN sẽ là đầu mối phối hợp với các tổ chức BHTG khác trên thế giới thông qua các thỏa thuận hợp tác, xây dựng kịch bản ứng phó và cơ chế ứng phó nhằm bảo vệ người gửi tiền ngày càng hiệu quả hơn.
Xác định rõ vai trò là công cụ chính sách công của Chính phủ, NHNN nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền và là một bộ phận của hệ thống giám sát tài chính quốc gia trong bối cảnh hội nhập TPP, BHTGVN đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chiến lược, BHTGVN luôn đồng hành với các TCTD nhằm tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập.