EU tăng cường bảo vệ tiền gửi trong hệ thống ngân hàng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã chính thức công bố chương trình bảo hiểm tiền gửi cho khu vực sử dụng đồng tiền chung (eurozone) trị giá 45 tỷ EUR, huy động từ các nước thành viên khu vực,bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía Đức.

Các nước khu vực đồng Euro đều phải thiết lập Quỹ bảo hiểm quốc gia. Nguồn: internet
Các nước khu vực đồng Euro đều phải thiết lập Quỹ bảo hiểm quốc gia. Nguồn: internet

Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) kỳ vọng có thể kiểm soát tốt hơn rủi ro, thì Berlin lại lo ngại rủi ro vẫn cứ luẩn quẩn vòng quanh nội bộ các nước, chứ chẳng thể thuyên giảm.

Hạn chế dùng tiền của dân

Theo kế hoạch, chương trình bảo hiểm tiền gửi mới của EU ban đầu sẽ đóng vai trò phương án dự phòng cho Quỹ bảo hiểm quốc gia mà các nước khu vực đồng Euro đều phải thiết lập, theo lộ trình cải tổ đã thỏa thuận trong năm 2014, nhằm khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính.

Kể từ năm 2020, những Quỹ bảo hiểm nêu trên sẽ được “hòa vào làm một” và mỗi năm đóng góp 20% vào quỹ mới của EU, cho đến khi huy động đủ 45 tỷ EUR vào năm 2024. Như lời ông Jonathan Hill, phụ trách lĩnh vực dịch vụ tài chính của EC, việc giảm thiểu rủi ro cần song hành với san sẻ rủi ro.

Tuy nhiên, EC nhấn mạnh rằng các quốc gia sẽ không được sử dụng nguồn “tiền để dành” nêu trên của EU, cho đến khi thắt chặt các quy định trong nước về bảo hiểm tiền gửi. Đây được xem như động thái xoa dịu nước Đức, trước lo ngại về việc tiền thuế của người dân Đức đóng góp trong đó lại bị mang đi “nuôi” các ngân hàng yếu kém ở quốc gia khác.

Bất chấp những giải pháp được đưa ra, Berlin vẫn giữ thái độ phản đối kế hoạch này như từ trước khi nó được công bố, vì cho rằng làm như vậy, chỉ đơn thuần là phân chia lại rủi ro trong eurozone, chứ không hề hạn chế được là bao.

Nhiều định chế tài chính chào đón tin tức trên với thái độ hoài nghi. Liên đoàn các ngân hàng châu Âu (EBF) không những đồng tình với nỗi băn khoăn của nước Đức, mà còn ngạc nhiên với tiến độ triển khai dự kiến. EBF cho rằng EU nên để các nước tự chạy chương trình của mình trước, rồi mới tính đến việc gộp chung.

Trong khi đó, các quan chức EC và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch mới và tin tưởng đây là “chiếc chìa khóa” cuối cùng giúp hiện thực hóa ý tưởng về một “liên minh ngân hàng” của khu vực đồng Euro, mà trước đó đã chứng kiến sự ra đời của một cơ quan giám sát chung đặt tại Frankfurt và một quỹ cứu trợ chung ở Brussels.

Họ cho rằng chừng nào tiền gửi trong hệ thống ngân hàng các nước eurozone chưa được “bảo vệ” bởi một tấm đệm chung, thì người gửi tiền chưa thể an tâm liệu khoản tiết kiệm của mình có thể được chuyển đổi sang đồng tiền khác hay không, trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ, mà trường hợp Hy Lạp đầu năm nay chính là bài học điển hình.

Nước Đức “một mình một phe”

Berlin lập tức cũng lấy Hy Lạp ra làm bài học, để nhắc nhở EU rằng eurozone đang phải tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng nước này lần thứ hai trong trong vòng 4 năm qua, một phần chính là do Athens thất bại trong việc cải tổ lĩnh vực tài chính.

Chính phủ Đức còn khẳng định, tính đến thời điểm này, mới chỉ có 1/3 các quốc gia thành viên thực thi bộ quy tắc hiện hành về liên minh ngân hàng. Berlin đặc biệt quan ngại về sự chậm trễ trong việc triển khai các quy định về giải cứu và tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có những điều khoản yêu cầu sử dụng tiền của cổ đông và chủ nợ trước khi dùng tới tiền của chính phủ.

EC đã cân nhắc áp dụng hình thức xử phạt đối với các nước chưa thực hiện quy định mới của EU về giải cứu ngân hàng và hệ thống bảo hiểm tiền gửi quốc gia - hiện được xem như là “ưu tiên hàng đầu” của Brussels. Bên cạnh đó, EC cũng sẽ tiến hành thay đổi hệ thống văn bản pháp luật, để hướng tới tận dụng nguồn lực của khu vực tư nhân trước khi “đụng” tới tiền thuế của người dân, khi cần giải cứu ngân hàng nào đó.

Như vậy, đến nay, mới chỉ có một mình Đức công khai phản đối chương trình này, trong khi các đồng minh truyền thống lại lên tiếng ủng hộ. Cách đây 2 tháng, Bộ trưởng tài chính Đức đã không ngần ngại gửi văn bản tới các nước eurozone để thể hiện quan điểm và mạnh mẽ tuyên bố rằng ý định của EC là “không thể chấp nhận được”.