Bỏ qua những cảnh báo rủi ro, thị trường sắp đón "làn gió mới"?

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Sóng kết quả kinh doanh lâu nay luôn là một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán cũng như trong chiến lược của các nhà đầu tư.

Kết quả kinh doanh luôn là mối quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán.
Kết quả kinh doanh luôn là mối quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay đang bị vây quanh bởi những thông tin tiêu cực như căng margin, định giá đã không còn hấp dẫn, giá cổ phiếu đã tăng quá cao... thì mùa báo cáo bán niên tới đây liệu có thể được xem là "làn gió mới"?

Thị trường chứng khoán vừa có những phiên giao dịch đầu tháng 6 không mấy thuận lợi khi Vn-Index liên tiếp giảm. Tháng 6 cũng là thời điểm chuẩn bị chờ đón những con số ước tính cũng như kết quả công bố của doanh nghiệp niêm yết về kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2021.

Mối quan tâm lớn của nhà đầu tư

Thông thường, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, thị trường rơi vào giai đoạn thiếu vắng thông tin tích cực. Nhưng năm nay lại khác, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát tại không ít khu công nghiệp và thành phố lớn, Vn-Index vẫn xác lập đỉnh mới với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành - Chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Kiến Thiết (CSI), thị trường đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đà tăng đang có phần quá đà, đang đẩy nhiều cổ phiếu vào trạng thái quá mua và điều này đồng nghĩa với việc thị trường đang ở trong trạng thái rủi ro nhiều hơn so với cơ hội.

Cũng nhận định về trạng thái thị trường lúc này, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, chỉ số P/E của Vn-Index đang tiến gần đến mức mục tiêu 18.x cho thấy thị trường đã dần bước vào giai đoạn không còn rẻ. Đồng thời, đơn vị này đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép không còn nhiều dư địa tăng trưởng ngắn và trung hạn.

Thực tế, thị trường đã có những điều chỉnh mạnh vào hai phiên giao dịch ngày 7-8/6 khiến chỉ số Vn-Index "bốc hơi" hơn 54 điểm. Thế nhưng, cũng đã nhanh chóng "xanh mướt" trở lại trong phiên giao dịch ngày 9/6 nhờ lực mua tăng cao.

Có ý kiến cho rằng, đối với các nhà đầu tư theo trường phái "đón sóng" thì đây là giai đoạn thích hợp để mua vào những cổ phiếu tiềm năng với giá hời rồi ngồi chờ thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2021 tích cực được công bố.

Lâu nay, kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp luôn được thị trường quan tâm vì đây là yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến giá cổ phiếu. Mặt khác, kết quả này giúp nhà đầu tư tiên lượng kết quả kinh doanh cả năm cũng như “sức khỏe” và triển vọng của doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định đầu tư.

Theo thông lệ các năm, kết quả kinh doanh quý II và bán niên thường tạo điều kiện cho thị trường có sóng sớm do kỳ vọng của các nhà đầu tư đi trước, dư âm của hiệu ứng này sẽ kéo dài thêm một tháng sau đó.

Nhiều nhà đầu tư đã kiếm được những khoản lãi đậm nhờ đón đúng sóng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước đó, liệu chiến lược này có còn đúng trong giai đoạn này của năm 2021?

Áp lực lớn

Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2021 khi GDP đạt 4,48% là minh chứng cho khả năng thích nghi, chống chọi với cú sốc kinh tế do đại dịch của Việt Nam. Kết quả này đã phát đi một số tín hiệu hy vọng của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Trước diễn biến này, các chuyên gia cho rằng quý II chỉ cần duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, thì kịch bản tăng trưởng 7,11% trong quý II và 5,92% trong 6 tháng đầu năm sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bất ngờ ập đến vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 với diễn biến phức tạp hơn nhiều so với lần thứ 3 tại Hải Dương và Quảng Ninh, đã khiến nhiều hoạt động kinh doanh phải ngừng trệ, nhiều ngành nghề chưa kịp hồi phục lại tiếp tục rơi vào lao đao (như hàng không, du lịch...).

Ngoài ra, theo dự báo của Công ty chứng khoán VNDirect, lạm phát bình quân quý II/2021 có thể chạm ngưỡng 4-5% do giá xăng dầu trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến mới của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Trong một phát biểu cách đây không lâu của Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cũng cho biết: “Việt Nam không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi lạm phát có khả năng tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2021 và dự báo ở mức 4% trong năm 2022. Bên cạnh đó, ADB quan ngại rủi ro trước mắt về bong bóng tài sản, ví dụ sự tăng giá của thị trường chứng khoán, giá cả bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng nhanh, cũng như tỷ lệ nợ xấu dự báo tăng. Theo đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam sau một loạt quyết định cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 không nhất thiết phải nới lỏng hơn nữa”.

Thực tế, nhìn nhận về mức độ quan tâm của nhà đầu tư thì ngân hàng là một trong số ít ngành ghi nhận sự tăng trưởng tốt về giá cổ phiếu thời gian gần đây.

Thế nhưng, các chuyên gia phân tích của FinnGroup cho rằng, trong nhóm này điểm cần lưu ý với 19/27 ngân hàng đó là tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2021 ở mức 1,4%, không đổi so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nợ cần chú ý (SMLs) tăng 2 điểm phần trăm về tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ cho vay và tăng 20,8% về quy mô, trong đó, VPBank, VIB, VietinBank dẫn đầu về mức tăng tính theo giá trị tuyệt đối.

Nhìn vào những yếu tố này có thể thấy, rất nhiều áp lực đang dồn nén vào các doanh nghiệp niêm yết nhưng không phải nhóm ngành nào cũng phải hứng chịu. Có thể kể đến như nhóm sản xuất hàng hoá và bán lẻ bởi chỉ số IIP trong tháng 5 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước và PMI vẫn đạt trên 50 điểm. Hay như đối với các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa kéo dài suốt từ đầu năm đến nay của thị trường chung.

Ngoài ra, các áp lực chỉ là đang được nhận định cho quý II, trong khi để đánh giá bức tranh của nửa đầu năm cần có thêm quý I, trong khi đó, đây lại là một quý rực rỡ của nhiều nhóm ngành, đặc biệt là ngân hàng.