Các công ty chứng khoán nói gì về thị trường tháng 6?

Theo M.K/vnbusiness.vn

Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6, các công ty chứng khoán cho rằng, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ chỉ số Vn-Index thiết lập mức đỉnh mới. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các yếu tố hỗ trợ

Công ty chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo đánh giá vĩ mô thị trường tháng 5 và hai kịch bản cho thị trường tháng 6.

Theo đó, ở kịch bản tích cực, BSC cho rằng Vn-Index sẽ duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng Covid-19 thứ 4 được đẩy lùi.

Tại kịch bản cơ bản, BSC cho biết Vn-Index sẽ dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.

Theo BSC, hai kịch bản được đánh giá là có xác suất xảy ra tương đương nhau. Các yếu tố tích cực ảnh hưởng đến thị trường tháng 6 là tiếp tục giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng. Bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định và ban hành các chính sách mới. Các ETFs FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục tăng thanh khoản cho thị trường.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo Vn-Index sẽ dao động trong khoảng 1.280-1.380 điểm trong tháng 6/2021. Mốc 1.280-1.300 điểm sẽ là những mốc hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong tháng này.

Các yếu tố hỗ trợ sẽ bao gồm một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại vào quý III/2021, bao gồm Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác. Diễn biến này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa sau năm 2021.

Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu tươi sáng. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) được công bố vào tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 lên 6,0% từ mức dự báo 5,5% trong báo cáo trước đó vào tháng 1.

Bên cạnh đó, kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của các công ty niêm yết trên HoSE lên 30%, từ mức 23% trước đó.

Rủi ro rình rập

Mặc dù đánh giá cao triển vọng của thị trường trong tháng 6 nhưng bộ phận phân tích thuộc các công ty chứng khoán nói trên vẫn đưa ra những yếu tố cần phải lưu ý.

Tại báo cáo của VNDirect, công ty chứng khoán này cho rằng, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 có thể cản trở triển vọng tăng trưởng trong quý II.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 27/4, Việt Nam đã ghi nhận 3.104 ca mắc mới, tương đương 1,1 lần tổng số ca của ba đợt bùng phát trước đó. Việt Nam đã đóng cửa 4 khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở một số địa phương để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm.

Trong khi đó, định giá thị trường hiện tại ở mức hợp lý, không còn bị định giá thấp nhưng không phải quá cao. Tính đến ngày 25/5/2021, P/E của Vn-Index đạt 17,8 lần, thấp hơn mức 18,4 lần cuối tháng 4 nhờ kết quả kinh doanh quý 1/2021 của các công ty niêm yết được cải thiện. P/E hiện tại cao hơn 7,9% so với mức trung bình 5 năm là 16,5 lần và cao hơn 2,9% so với đầu năm 2021; P/E forward 2021 của Vn-Index ở mức 16,5 lần.

Rủi ro lạm phát cao hơn trong quý II/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư nợ ký quỹ toàn thị trường đang ở mức cao, gây áp lực khi thị trường điều chỉnh.