Bổ sung đối tượng công bố thông tin giúp thị trường chứng khoán thêm minh bạch


Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của đại biểu quốc hội, dư luận và nhà đầu tư trong thời gian qua. Tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 của Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc cần bổ sung thêm đối tượng công bố thông tin, qua đó góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư và tăng tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chất lượng thông tin của các công ty niêm yết là mối quan tâm lớn của nhiều chủ thể trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp vi phạm về công bố và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao.

Trong năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra gần 400 quyết định xử phạt, trong đó có hơn 100 quyết định xử phạt vi phạm về công bố thông tin, tương đương chiếm 50%. Nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến thông tin và công bố thông tin của các công ty niêm yết đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư cũng như tính ổn định của thị trường này.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật Chứng khoán hiện hành, đồng thời tiếp cận với thông lệ quốc tế, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật như giao dịch nội gián, thâu tóm doanh nghiệp bất hợp pháp, dự thảo Luật Chứng khoán đã bổ sung các đối tượng phải công bố thông tin như: Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn đại biểu quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các đối tượng công bố thông tin và nội dung phải công bố thông tin của các đối tượng này, trong đó các đối tượng công bố thông tin bao gồm: Công ty đại chúng; Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; Tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp; Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 của Luật này và người có liên quan của người nội bộ; Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; và các đối tượng khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua rà soát, đã tiếp thu bổ sung thêm nội dung công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ. Cụ thể, tại Điều 127 Dự thảo Luật Chứng khoán về công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ quy định rõ, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin trước và sau giao dịch, thay đổi sở hữu đối với cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua trái phiếu chuyển đổi; chứng chỉ quỹ, quyền mua chứng chỉ quỹ hoặc chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng.

Cũng theo Dự thảo Luật, Quy định tại khoản 1 Điều 127 không áp dụng đối với giao dịch mua chứng khoán cơ cấu của thành viên lập quỹ để hoán đổi theo yêu cầu của khách hàng hoặc giá trị chứng khoán giao dịch chưa đạt giá trị tối thiểu phải công khai thông tin và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Dự thảo đã bổ sung thêm khoản 3 Điều 117. Cụ thể, việc công bố thông tin của công ty đại chúng là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phù hợp với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.