Phát triển các sản phẩm mới thu hút đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017… thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã không ngừng phát triển về quy mô, hoàn thiện về cấu trúc; đa dạng các sản phẩm mới nhằm thu hút các nhà đầu tư. Việc làm này đã tiếp sức cho nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ “cận biên” lên “mới nổi”; trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Nỗ lực mở rộng quy mô thị trường và đa dạng sản phẩm mới
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đưa TTCK Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới…
Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017…
Với mục tiêu trên, việc TTCK liên tiếp vận hành hàng loạt sản phẩm mới là cần thiết, phù hợp với lộ trình tăng số lượng nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.
Đánh giá sau gần 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh về quy mô; không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, theo hướng hội nhập, phù hợp với các các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế; trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực chứng khoán không ngừng được hoàn thiện.
Hệ thống giao dịch và xử lý giao dịch được tự động hóa và vận hành ổn định. Sản phẩm của TTCK ngày càng phong phú và đa dạng, không chỉ giới hạn ở cổ phiếu và trái phiếu như thời kỳ đầu. Mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã có xu hướng tăng lên cùng với chính sách nới “room” cho sở hữu nước ngoài tại các DN…
Quy mô TTCK đã mở rộng và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 DN niêm yết (DNNY), thì đến nay đã có trên 1.500 DNNY; Giá trị huy động vốn trên TTCK trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 201.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018…
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng mạnh, tính đến hết tháng 8/2019 đạt khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tương đương 84% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020 đạt 70% GDP (năm 2000, giá trị vốn hóa thị trường chỉ đạt 0,28% GDP), tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 25% trong vòng 10 năm qua. Thị trường TPCP phát triển mạnh với quy mô niêm yết trên 20% GDP, đóng góp tích cực vào việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN), các kỳ hạn phát hành bình quân từ 12 - 13 năm, góp phần tích cực vào cải thiện cơ cấu nợ của Chính phủ.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng TTCK lên một tầng cao mới, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, đồng thời cần có lộ trình cụ thể từ đơn giản đến phức tạp, bắt đầu từ sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant), hợp đồng tương lai (HĐTL) dựa trên chỉ số, trái phiếu và cổ phiếu; tiến tới cung cấp quyền chọn mua, bán. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện bộ quy tắc, cơ cấu lại VN30-Index và phát triển thêm các chỉ số để làm chứng khoán cơ sở cho thị trường phái sinh.
Ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh chính thức hoạt động, đến nay, sau 2 năm TTCK phái sinh đã bước tăng trưởng ổn định, thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài. Cụ thể, đã có hơn 36 triệu hợp đồng được giao dịch. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng giao dịch HĐTL trên chỉ số cổ phiếu VN30 bình quân đạt xấp xỉ 100.000 hợp đồng/phiên, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2018 và gấp gần 10 lần so với năm 2017. Nếu so sánh với giao dịch của sản phẩm tương tự là sản phẩm HĐTL trên chỉ số SET50 trên thị trường phái sinh Thái Lan (vốn là thị trường phát triển trong khu vực với 13 năm tuổi), thì mức giao dịch này tương đương khoảng 70% so với giao dịch bình quân của HĐTL trên chỉ số SET50.
Nhìn chung, TTCK phái sinh đã khẳng định vai trò phòng vệ rủi ro khi thị trường cơ sở biến động mạnh và là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư khi thị trường cơ sở sụt giảm. Khối lượng hợp đồng mở (OI) đã tăng 2,2 lần, từ 8.077 hợp đồng vào cuối năm 2017 lên 17,676 hợp đồng vào ngày 30/08/2019. Trong các giai đoạn thị trường cơ sở giảm mạnh, điển hình như tại thời điểm tháng 5 - 6/2018 và tháng 5 - 6/2019, giao dịch trên TTCK phái sinh tăng mạnh, đặc biệt khối lượng OI toàn thị trường có sự gia tăng đột biến so với các tháng trước đó. Ví dụ như phiên giao dịch ngày 23/05/2019, khối lượng OI đã ghi nhận mức kỷ lục kể từ thời điểm ra mắt, đạt 39.854 hợp đồng (gấp 1,85 lần so với cuối năm 2018 và gần 5 lần so với cuối năm 2017).
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng gia tăng liên tục. Đến cuối tháng 8/2019, đã có 81.530 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hệ thống thành viên giao dịch và bù trừ của TTCK phái sinh đến nay đã có 14 công ty chứng khoán. Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, mặc dù có sự giảm dần, chiếm 91,15% khối lượng giao dịch toàn thị trường (so với mức 99,1% tại thời điểm cuối năm 2018). Giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giao dịch của nhà đầu tư trong nước, đạt 1,54%. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ 0,58% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Theo lộ trình phát triển sản phẩm từ thấp đến cao, ngày 4/7/2019, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội tiếp tục ra mắt sản phẩm HĐTL TPCP nhằm tăng sự lựa chọn và công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức. Theo thống kê, đến nay TTCK phái sinh đã có 7 mã sản phẩm HĐTL thực hiện theo thông lệ quốc tế, trong đó có 4 mã sản phẩm HĐTL trên chỉ số cổ phiếu VN30. Sau 2 tháng vận hành, đã có 215 HĐTL TPCP được giao dịch, khối lượng OI cuối tháng 8/2019 là 140 hợp đồng.
Trước đó, ngày 28/6/2019, TTCK cơ sở đã cho ra đời sản phẩm Covered Warrant. Sản phẩm này được kỳ vọng đem lại một luồng gió mới cho TTCK, hỗ trợ phòng ngừa những biến động trên thị trường cổ phiếu và thu hút các dòng vốn ngoại, góp phần giải quyết vấn đề hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số cổ phiếu cơ sở.
Qua khảo sát, sau 2 tháng hoạt động, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch của Covered Warrant có xu hướng tăng, góp phần tăng thanh khoản cho cổ phiếu cơ sở. Tính đến cuối tháng 8/2019, tổng khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm Covered Warrant đạt gần 2 triệu chứng quyền/phiên, tương ứng với giá trị 6,6 tỷ đồng/phiên.
Như vậy, cấu trúc của TTCK theo thế kiềng 3 chân gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đã được hiện thực hóa, tiên tục được đổi mới và phát triển ổn định. Sự phát triển của TTCK đã mở ra kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thông qua TTCK, nhiều DN đã huy động được nguồn vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo dựng hình ảnh, uy tín cho DN. TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Như vậy, có thể nói sau gần 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự nâng cao rõ rệt về “chất”. Trong đó, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm trên TTCK luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong nhóm giải pháp nhằm phát triển TTCK Việt Nam.
Giải pháp phát triển các sản phẩm mới thu hút vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Cùng với việc đặt ra các mục tiêu phát triển, Đề án “Cơ cấu lại TTCK Việt Nam và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đã đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại TTCK Việt Nam như sau: (1) Hoàn thiện cơ sở pháp lý; (2) Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; (3) Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên TTCK; (4) Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; (5) Cơ cấu lại tổ chức thị trường; (6) Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; (7) Nâng hạng thị trường; (8) Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.
Nhằm thực thi hiệu quả các giải pháp trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xây dựng lộ trình triển khai các sản phẩm trên TTCK cho giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, các sản phẩm mới được xây dựng cho cả 3 khu vực thị trường gồm: cổ phiếu; trái phiếu và phái sinh, trên nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ đáp ứng nhu cầu phổ thông đến phục vụ những nhu cầu đầu tư chuyên biệt, cụ thể như:
- Đối với thị trường cổ phiếu: Sau khi sản phẩm Covered Warrant UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thêm các sản phẩm chứng quyền bán trên các tài sản khác nhau như chứng chỉ ETF, cổ phiếu…; nghiên cứu triển khai chứng chỉ lưu ký toàn cầu; chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); các loại chứng chỉ quỹ mới…
- Đối với thị trường phái sinh: Tiếp tục giới thiệu các sản phẩm HĐTL trên chỉ số mới; hợp đồng quyền chọn chỉ số; HĐTL, hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ…
- Đối với thị trường trái phiếu: Tập trung phát triển TPDN nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối và hoàn chỉnh cấu trúc thị trường, hỗ trợ DN huy động vốn tốt hơn.
Trong giai đoạn 2018 -2020, UBCKNN và hai Sở GDCK sẽ phối hợp nghiên cứu, đưa vào vận hành các sản phẩm mới sau: Các chỉ số mới làm tài sản cơ sở cho sản phẩm chứng khoán phái sinh, ETF, Covered Warrant (Chỉ số VNXMid/Small capitalization; VNX100 hoặc VNX200); NVDR và HĐTL chỉ số cổ phiếu khác (ngoài chỉ số VN30).
Hiện nay, bên cạnh HĐTL trên chỉ số nhỏ VN30, Sở GDCK Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng HĐTL trên chỉ số VNX200 - bộ chỉ số lớn hơn, có tính đại diện cao hơn, ít khả năng biến động, phi thị trường hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Sở GDCK Hà Nội cũng dự kiến tiếp tục đưa ra các sản phẩm phái sinh mới như: hợp đồng quyền chọn trên chỉ số cổ phiếu, HĐTL trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu đơn lẻ. Năm 2019 và 2020 được Sở GDCK Hà Nội định hướng là năm nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và kiện toàn hành lang pháp lý, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người đầu tư theo đúng chủ trương, của Chính phủ.
Cùng với Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu và đưa vào vận hành một số sản phẩm mới, trong đó có cổ phiếu không có quyền niêm yết và sản phẩm NVDR. Công cụ này sẽ giúp đa dạng sự lựa chọn, hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, thúc đẩy DN phát triển.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm phái sinh, các Sở GDCK sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các tổ chức vận hành thị trường có liên quan không ngừng cải thiện hoạt động giám sát trên thị trường; duy trì hệ thống giao dịch hiệu quả, thông suốt; kết nối với các thành viên thị trường và nhà đầu tư để kịp thời đáp ứng các nhu cầu thị trường.
Nhìn chung, TTCK Việt Nam có không ít sản phẩm quỹ về loại hình như quỹ đóng, quỹ mở; về tính chất như quỹ bất động sản, quỹ trái phiếu, cổ phiếu… nhưng chỉ có một vài quỹ thu hút được nhà đầu tư đại chúng tham gia. Chính vì vậy, cùng với việc nghiên cứu các sản phẩm mới, thì nền tảng kiến thức của nhà đầu tư, thông tin minh bạch và tính chuẩn mực, hấp dẫn của các sản phẩm cũng cần được chuẩn bị song hành. Có như vậy, khi đưa ra thị trường các sản phẩm mới có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và mang lại hiệu quả nhất định cho các bên, góp phần thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến năm 2025";
2. Kế hoạch và lộ trình triển khải các sảm phẩm chứng khoán giai đoạn 2018 - 2025;
3. Thị trường chứng khoán đã có sự nâng cao rõ rệt về chất, trở thành điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư nước ngoài; Tạp chí Chứng khoán số 249 – tháng 7/2019;
4. Vũ Bằng (2016), Tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.