Bổ sung kiến thức, kinh nghiệm nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp
Cần tổ chức những chương trình đào tạo và giáo dục, cung cấp kiến thức kinh nghiệm cần thiết đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.
Để làm được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tổ chức những chương trình đào tạo và giáo dục, cung cấp kiến thức kinh nghiệm cần thiết đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó cũng nên có nhiều văn bản chỉ thị về phương hướng biện pháp, chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng trong hệ thống chỉ tiêu giá trị sản phẩm hàng hoá thực hiện đã buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nâng cao năng suất. Trong phân phố lợi nhuận, Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ các mặt hàng có chất lượng cao và trao giải thưởng cho các mặt hàng đạt chất lượng cao nhất, mẫu mã đẹp nhất. Nhà nước cũng đã thực hiện nghiêm cấm nhập lậu và có biện pháp thích đáng đối với những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này được minh chứng qua các Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp trên cả nước cũng như chương trình cụ thể tại mỗi địa phương.
Tuy nhiên, để cải tiến năng suất, chất lượng, không chỉ cần các công cụ hỗ trợ từ Nhà nước mà cũng cần sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển, trước tiên doanh nghiệp cần sử dụng hệ thông các biện pháp khác nhau. Đầu tiên là phải sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế như tăng cường khen thưởng vật chất và trách nhiệm đối với sản phẩm sản xuất ra, có biện pháp kỷ luật thích đáng đối với công nhân làm sai hỏng không đúng tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó là nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chính trị tư tưởng tự kiểm tra cho công nhân; đào tạo nâng cao tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cho họ.
Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu đúng quy cách, chủng loại, chất lượng, thời gian vận chuyển và bảo quản. Thiết lập mối quan hệ có uy tín đối với nhà cung ứng nguyên vật liệu và với khách hàng. Cần áp dụng các biện pháp kiểm tra với quy mô sản xuất phù hợp với từng mặt hàng, có kỹ thuật kiểm tra đúng đắn.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải chú trọng việc cải tiến và hoàn thiện bộ máy tổ chức trong doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ quản lý, động viên toàn thể công nhân trong doanh nghiệp tham gia vào quản lý năng suất, chất lượng sản phẩm. Không ngừng phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về các biện pháp kỹ thuật, doanh nghiệp cần phải kiểm tra nghiêm ngặt sự tôn trọng quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm; đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng đầy đủ các thông số kỹ thuật đã đề ra.
Nếu làm được những điều trên, chắc chắn một điều năng suất, chất lượng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp sẽ được "nâng tầm", từ đó từng bước khẳng định chỗ đứng, vị trí trên thương trường. Nhìn xa rộng hơn, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được một nền tảng vững chắc để không ngừng vươn cao, vươn xa và tiến ra quốc tế.