Bộ Tài chính ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP
Bám sát các nội dung được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, ngày 31/5/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại Nghị quyết 35, nhằm thống nhất từ nhận thức và đến hành động trong toàn ngành Tài chính. Từ đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết 35.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Chương trình nêu rõ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả theo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, âng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; triển khai quyết liệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, tiến hành rà soát đánh giá hiện trạng trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính liên quan đến doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chưa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.
Bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp
Bộ Tài chính tiến hành xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016. Đồng thời rà soát các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị về quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh để tiếp thu hướng dẫn tại Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế…
Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016- 2020; củng cố và triển khai mở rộng ra toàn quốc với các thủ tục hành chính đã kết nối chính thức thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Nghiên cứu xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp và Khoản thu nhập cá nhân do doanh nghiệp trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh lớn, đủ điều kiện là doanh nghiệp phải thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó là tổng kết, đánh giá cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua Ngân hàng Phát triển và các quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương và đề xuất sửa đổi; trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi trong lĩnh vực chứng khoán…
Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật về đất đai, nghĩa vụ tài chính về đất đai để đề xuất các giải pháp giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính trong việc tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sane xuất trong các khu công nghiêọ, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời gian thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, cáo cáo Chính phủ phương án xử lý tổng thể về điều mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các đề xuất mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như chi phí về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, chi phí quảng cáo, tiếp thị… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp được giao, thủ trưởng các đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Chương trình hành động, cụ thể hóa các nhiệm vụ, công việc, kết quả đầu ra để xây dựng chương trình công tác của đơn vị, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả.