Bộ Tài chính: Cải cách hành chính đi vào thực chất và hiệu quả hơn
Trong 4 năm liền (từ năm 2014 đến năm 2017), Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 03/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Đặc biệt, trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018) Bộ Tài chính luôn đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).
Duy trì top 3 về chỉ số cải cách hành chính
Theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (chỉ số Par Index), tại Hội nghị tổng kết đánh giá công tác cải cách hành chính của Chính phủ năm 2017 tổ chức mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục nằm trong top 3 nhóm 19 bộ, ngành về cải cách hành chính.
Kết quả này thể hiện sự nỗ lực và chủ động của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa quản lý hành chính.
Đặc biệt, Bộ Tài chính luôn chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ với các giải pháp được cụ thể hóa và tổ chức triển khai quyết liệt, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã hoàn thành kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục tăng cường kê khai thuế qua mạng với số doanh nghiệp đăng ký kê khai qua mạng đạt hơn 99,7% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Đối với lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với 34/34 đơn vị hải quan; hoàn thành triển khai việc thanh toán điện tử tự động qua hệ thống VNACCS/VCIS tại các Cục Hải quan trên phạm vi toàn quốc. Thống kê đến ngày 31/8/2018, đã có 68 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, xử lý hơn 1,46 triệu hồ sơ của 23.700 doanh nghiệp.
Với vai trò là Cơ quan thường trực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nỗ lực triển khai các nội dung theo đúng kế hoạch, lộ trình đặt ra.
6 năm quán quân về ICT Index
2018 là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài chính đứng đầuvề ứng dụng công nghệ thông tin trong các bộ, ngành (Bảng xếp hạng Việt Nam ICT-index 2018). Đây là kết quả của cả một quá trình tổ chức triển khai ứng dụng chủ động và quyết liệt của toàn ngành Tài chính nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, các chương trình ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Việc triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN… không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội, giúp ngành Tài chính từng bước hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử (E-Government) và hướng tới xây dựng Chính phủ số (Digital Government) phù hợp với định hướng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 28/4/2017.
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã góp phần tích cực cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về tài chính, thuế, hải quan, qua đó, tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh đánh giá cao. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả trong cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung vào các giải pháp trong tâm sau:
Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tiếp tục được đổi mới, sắp xếp để phù hợp với yêu cầu quản lý; đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ cơ bản ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.
Công tác hiện đại hóa ngành Tài chính tiếp tục được tăng cường, từng bước được đầu tư trang bị, nâng cấp hiện đại hóa trang thiết bị ứng dụng công nghê thông tin để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính và quản lý.
Triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chỉ số nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới cải thiện được thứ bậc xếp hạng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác tài chính công, thực hiện huy động và phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, an ninh tài chính được đảm bảo.