Bộ Tài chính cam kết chặn các chiêu lách luật tăng giá sữa
(Tài chính) "Việc tuân thủ áp dụng giá trần chính là doanh nghiệp đã góp phần vào thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Biện pháp này sẽ được dỡ bỏ khi thị trường bình ổn, con cháu được hưởng đúng với giá trị thực của sữa”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nhấn mạnh tại buổi họp báo về hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, diễn ra chiều ngày 27/5.
Quyết định số 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi quy định, kể từ ngày 1/6, 25 sản phẩm sữa sẽ chính thức được áp giá trần và mức trần này được áp dụng trong vòng 6 tháng. Việc thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày và trong khâu bán lẻ chậm nhất là sau 20 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, nhóm các mặt hàng nằm trong bảng giá trần gồm có: Dielac Alpha, Frisolac, Nan Pro, Friso Gold, Enfa Grow, Abbott Grow, Similac. Mức giá rẻ nhất đối với loại 900gram là sữa Dielac Alpha 123 HT có giá trần tối đa 167.000 đồng, loại 400gram Dielac Alpha 123 HT rẻ nhất là 72.000 đồng. Loại đắt nhất với dòng 900gram là sữa IMP Frisolac Gold 1 có giá 406.000 đồng/hộp, đối với hộp 1,8 kg Enfa Grown A+3 hương Vanila có giá 563.000 đồng. Loại đắt nhất trong bảng giá trần là Similac Gain Plus IQ 1,7 kg có mức giá 692.000 đồng.
Ngoài 25 sản phẩm trong danh sách áp trần, thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục tính toán và sẽ có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện kê khai, đăng ký giá đối với những sản phẩm sữa khác của trẻ em dưới 6 tuổi. “Đây là biện pháp mang tính chất giai đoạn, thời kỳ. Toàn bộ quá trình xây dựng cách tính giá trần đã được xây dựng dựa trên quá trình gặp gỡ tất cả các doanh nghiệp và nhận được sự cam kết tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Đề cập đến những quan ngại của giới truyền thông trước những chiêu trò lách luật trong thực tế của doanh nghiệp như: Thay đổi mẫu mã, giảm trọng lượng, thay đổi công thức về các thành phần nhằm giảm giá thành… ông Nghĩa cho biết: Hiện tại thì chưa phát hiện có doanh nghiệp nào vi phạm, tuy nhiên nếu phát hiện có dấu hiệu, Bộ Tài chính nhất định sẽ có biện pháp điều chỉnh.
Nếu doanh nghiệp thay đổi chất lượng thì sẽ phải tính toán lại chi phí theo công thức:
Giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa cần xác định = giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa đã lựa chọn X (Trọng lượng của sản phẩm sữa cần được xác định giá bán buôn tối đa / Trọng lượng của sản phẩm sữa đã lựa chọn).
Ví dụ Abbot có 37 mặt hàng thì chỉ có 5 mặt hàng nằm trong danh sách 25 mặt hàng áp giá trần, còn 32 mặt hàng không có giá trần sẽ được xác định tương đương. Ngoài ra, doanh nghiệp nào có sản phẩm mới hoàn toàn trên thị trường thì sẽ phải tiến hành quy trình xây dựng giá mới hoàn toàn, từ xây dựng giá, kê khai đến đăng ký giá với Bộ Tài chính và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
“Việc tuân thủ áp dụng giá trần sữa đó chính là khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đồng thuận, phối hợp từ cả doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và bản thân người tiêu dùng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Giá sữa bán lẻ tối đa sau khi áp trần phải thấp hơn giá bán lẻ hiện hành
Nhấn mạnh điều đó, ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) khẳng định: Theo quy định, giá sữa bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng sau khi áp trần phải đảm bảo thấp hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường của sản phẩm đó (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá). Bởi vậy, nếu giá cho phép của doanh nghiệp cao hơn mức giá hiện tại, thì doanh nghiệp phải tính toán, hạ bớt chi phí, không được cộng mức tối đa 15%, để đảm bảo giá đạt mức thấp hơn đúng như Bộ Tài chính quy định.
Nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng cũng đã được Bộ Tài chính cụ thể hóa trong Công văn số 6544/BTC-QLG: (i) Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng với các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn của tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Các chi phí hợp lý khác có liên quan được xác định theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính.
(ii) Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường.
(iii) Trường hợp có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý ở địa phương, tổ chức, hướng dẫn thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo Công văn này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương.
Công văn số 6544 nêu rõ, sau khi xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên, các tổ chức, cá nhân gửi bảng giá bán lẻ tối đa, nếu cơ quan có thẩm quyền quản lý giá không có ý kiến yêu cầu giải trình về nội dung của Biểu giá đó thì tổ chức, cá nhân căn cứ vào Biểu giá đã gửi, công bố và niêm yết công khai để áp dụng từ ngày 21/6/2014. Trường hợp giá bán lẻ tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá cao hơn quy định (vượt quá 15% so với giá bán buôn của nhà sản xuất, nhập khẩu) cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xác định lại giá bán lẻ tối đa.
“Sau 3 lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu hoặc không thực hiện giải trình trong 5 ngày làm việc hoặc không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện mức giá bán lẻ tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.