TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:
Bộ Tài chính chủ động, tích cực và quyết liệt trong đề xuất, thực thi chính sách tài khóa
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc đề xuất và thực thi các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nhận định, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và trên đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến bất ổn, khó khăn, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm đà phục hồi và triển vọng tăng trưởng (như khu vực Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…), một số nước thậm chí rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật (như Mỹ), thì mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đã là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nói như vậy là bởi kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét với GDP tăng trưởng trong quý I, quý II và 6 tháng năm 2022 đạt lần lượt ở mức 5,03%; 7,72% và 6,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu đề ra (5,1-5,7%) và cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2021 (tăng 5,64%).
Trong đó, từ phía cung, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ là hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế (trong 7 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái – cao hơn mức tăng 9,63% của cùng kỳ năm 2019; lĩnh vực dịch vụ hồi phục mạnh mẽ (tăng 6,6%), tương đương với giai đoạn trước đại dịch (6,69% trong 6 tháng đầu năm 2019).
Từ phía cầu, hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái (cao hơn mức tăng 11% của cùng kỳ năm 2019). Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, mở cửa du lịch đã giúp lĩnh vực dịch vụ - du lịch hồi sinh sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; góp phần vào phục hồi kinh tế năm nay và tạo đà năm tới.
Phóng viên: Quan điểm của ông như thế nào về vai trò của chính sách tài khóa trong hỗ trợ phòng, chống đại dịch COVID-19 và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong thời gian qua?
TS. Cấn Văn Lực: Theo đánh giá của tôi, trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân và cả nước đang nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh sau dịch COVID-19 dù môi trường quốc tế đang nhiều rủi ro – thách thức, các gói chính sách hỗ trợ theo kế hoạch chung và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành từ đầu năm, trong đó có chính sách tài khóa đã và đang lan tỏa vào cuộc sống và thể hiện rõ nét qua 4 mặt:
Thứ nhất, sản xuất công nghiệp phục hồi nhờ dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành và triển khai. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và dần tiệm cận mức 9,4% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch.
Thứ hai, tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ môi trường vĩ mô được duy trì ổn định và các chính sách giảm thuế (giảm thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường…). Trong 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ tăng 16% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức tăng 11% của năm 2019.
Thứ ba, chính sách tài khóa đã góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao thông qua việc: Giảm thuế phí (nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuế VAT…), qua đó, hỗ trợ kiểm soát giá cả; Phối hợp với chính sách tiền tệ, giá cả ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực kiểm soát lạm phát.
Thứ tư, đời sống xã hội được đảm bảo, tiến bộ xã hội tại Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phục hồi COVID-19 do Nikkei công bố tháng 7/2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 2/121 quốc gia, tăng 88 bậc so với tháng 1/2022 cho thấy mức độ hồi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam sau khi Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch từ “Không có COVID” sang “phòng chống dịch bệnh linh hoạt, thích ứng và hiệu quả”. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch đều nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức “tích cực” nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định môi trường vĩ mô và kiểm soát giá cả, lạm phát.
Ngay từ cuối năm ngoái và đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đều đánh giá chính sách tài khóa là chính sách trọng tâm trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi.
Chương trình phục hồi đó tập trung triển khai các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 81% tổng giá trị chương trình bao gồm các cấu phần hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực y tế, chuyển đổi số doanh nghiệp.
Trong đó, một số chính sách quan trọng như: (i) Giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát; (ii) Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng; (iii) Hỗ trợ lãi suất từ tiền NSNN với giá trị 40 nghìn tỷ đồng, (iv) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy mô 6,6 nghìn tỷ đồng; và (v) Cính sách tăng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô 113,85 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược là chính sách được kỳ vọng tạo cú hích cho phục hồi kinh tế khi được triển khai hiệu quả.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa, nhất là chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua?
TS. Cấn Văn Lực: Cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc đề xuất và thực thi chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19 theo tinh thần của Chương trình phục hồi nêu trên và đã đạt kết quả tích cực ban đầu. Điển hình như:
Thứ nhất, giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã giảm khoảng 21.810 tỷ đồng tiền thu từ thuế GTGT (đạt gần 45% kế hoạch).
Thứ hai, thực hiện chính sách gia hạn thuế (quy mô 135 nghìn tỷ đồng), đến nay, đã gia hạn các loại thuế là 43.058 tỷ đồng (đạt khoảng 32% kế hoạch).
Thứ ba, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 6.555 tỷ đồng.
Thứ tư, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2022. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 737 tỷ đồng.
Thứ tư, giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đổi với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện khoảng 925 tỷ đồng.
Thứ năm, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm; ước tính đã thực hiện khoảng 900 tỷ đồng.
Thứ sáu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Với quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện 7 tháng đầu năm khoảng 8.909 tỷ đồng. Ngoài ra, do giá xăng dầu còn tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về giảm kịch khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) với quy mô dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng và hiện đang thực hiện.
Phóng viên: Trong thời gian tới, để các chính sách tài khóa ngày càng phát huy hiệu quả, cần chú trọng những vấn đề gì, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng để phát huy hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng vào khâu triển khai và phối hợp chính sách.
Như chúng ta đã và đang thấy, mặc dù Chương trình phục hồi được Quốc hội và Chính phủ ban hành khá sớm, từ tháng 1/2022, nhưng một số cấu phần còn chậm. Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng) vốn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song đến nay vẫn chưa thể triển khai với nhiều nguyên nhân như giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xi măng…) tăng cao ảnh hưởng tới khâu dự toán đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư của bộ, ngành, địa phương còn chậm; quy trình, thủ tục cần thực hiện theo luật đầu tư công.
Ngoài ra, việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà còn vướng mắc do hướng dẫn thực hiện chưa chi tiết hoặc chậm trễ trong triển khai tại các địa phương. Tổng số lao động dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà khoảng 3,4 triệu người với quy mô 6.600 tỷ đồng, nhưng tới nay sau hơn 3 tháng các địa phương mới hỗ trợ được khoảng 1,2 triệu lao động, với tổng giá trị giải ngân gần 1.000 tỷ đồng (đạt khoảng 15%).
Điều này cho thấy trong thời gian tới, cần đặc biệt chú trọng khâu triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như làm giảm rủi ro “lệch pha” chính sách, lạm phát của Việt Nam với các nước trên thế giới (các nước hiện đang bước vào giai đoạn thu hồi các chính sách hỗ trợ, thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ) trong bối cảnh kinh tế đã phục hồi và lạm phát toàn cầu gia tăng.
Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát, cũng là để ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!