Bộ Tài chính chủ trì giải quyết tranh chấp về vay, nợ của Chính phủ

PV.

(Tài chính) Theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg vừa được ban hành, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp phát sinh khi Nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Quyết định trên, Bộ Tài chính là Cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và Nghị định số 1/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam trên cơ sở hiệp định bảo hộ đầu tư.

Trong trường hợp có hai hoặc nhiều hơn hai cơ quan nhà nước của Việt Nam là cơ quan bị kiện trong một vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể thì các cơ quan này phải thống nhất để một trong các cơ quan này là cơ quan chủ trì.

Theo quy định, cơ quan chủ trì sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin, tài liệu liên quan đến việc khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài; Làm đầu mối liên lạc, trao đổi với Nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện và với trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; Chủ trì, phối hợp với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng chiến lược, kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế...

Quyết định nêu rõ, cơ quan chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và luật sư (nếu có) xây dựng, hoàn thiện các bản tự bảo vệ, tài liệu nộp trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền theo quy trình tố tụng giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

Khi nộp các bản tự bảo vệ cho trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, cơ quan chủ trì có trách nhiệm gửi một bản sao đến Cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/3/2014.