PGS., TS. Phạm Quang Huy – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:
Bộ Tài chính có nhiều động thái kịp thời giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán
Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp kiểm toán đã tuân thủ quy định pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật có liên quan thì cũng có không ít doanh nghiệp có hồ sơ kiểm toán chưa đạt yêu cầu, đưa ý kiến kiểm toán chưa phù hợp theo quy định của chuẩn mực kiểm toán làm ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Liên quan yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn PGS., TS. Phạm Quang Huy – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, những vụ việc gần đây cho thấy, các công ty kiểm toán độc lập chưa làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến những thông tin sai lệch về doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyết định, quyền lợi của nhà đầu tư. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
PGS., TS. Phạm Quang Huy: Theo nội dung hướng dẫn tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế thì hồ sơ chào bán trái phiếu phải có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán.
Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; doanh nghiệp phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc loại trừ. Qua những điều khoản khá rõ ràng và cụ thể nêu trên thì có thể chứng minh rằng hành lang pháp lý về điều kiện để được phát hành trái phiếu đã được đảm bảo và hoàn thiện.
Phải nói rằng, việc kết luận các doanh nghiệp kiểm toán có làm tròn trách nhiệm hay chưa thì cần thu thập thêm những cơ sở, nhưng có thể thấy rằng, nếu trường hợp các báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành đã được kiểm toán nhưng lại có sai lệch thông tin, làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư thì có một phần trách nhiệm của các doanh nghiệp kiểm toán. Như vậy, quyền lợi nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nhất định nếu như có những báo cáo kiểm toán nói chung và ý kiến kiểm toán nói riêng chưa thật sự phù hợp.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các động thái của Bộ Tài chính trong việc chấn chỉnh hoạt động của các công ty kiểm toán?
PGS., TS. Phạm Quang Huy: Trong thời gian gần đây, Chính phủ đang có nhiều giải pháp mang tính tích cực để thúc đẩy sự nâng cao tính hữu hiệu trong hoạt động, vận hành của thị trường tài chính, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có sự phát triển nóng của thị trường này do vậy việc tăng cường các biện pháp để thị trường này phát triển ổn định, an toàn, bền vững là yêu cầu đặt ra cấp thiết hiện nay.
Hơn thế nữa, trong nhiều năm qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường và chấn chỉnh các sai phạm trên thị trường. Trong đó, được biết, mới đây Bộ Tài chính đã có Công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.
Tôi cho rằng đây là những hành động khá kịp thời nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán, đồng thời nâng cao năng lực của các doanh nghiệp kiểm toán trong hoạt động chuyên môn, hướng đến việc tạo ra bộ báo cáo tài chính được kiểm toán có độ tin cậy cao hơn nữa.
Phóng viên: Theo ông, làm gì để nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập để giảm thiểu những bất cập như thời gian qua?
PGS., TS. Phạm Quang Huy: Theo tôi, trước tiên các doanh nghiệp kiểm toán cần phải luôn luôn tuân thủ một cách nghiêm túc nhất đối với hệ thống các quy định của pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan. Để làm được điều này, các doanh nghiệp kiểm toán nói chung và đội ngũ kiểm toán viên cần phải nắm thật vững, hiểu thật chi tiết và hiểu đúng những gì đã được pháp luật quy định; đồng thời phải thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán trong từng loại hình, lĩnh vực cụ thể để luôn giữ được tính thận trọng nghề nghiệp cao nhất trong quá trình kiểm toán trên thực tế..
Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán đã có, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, cần lưu ý những khu vực có rủi ro cao khi kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng mà đặc biệt chính là phạm vi của những khoản mục, giao dịch hay thông tin mang tính rủi ro có ảnh hưởng đến quyết định kinh tế quan trọng của các nhà đầu tư trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần phải luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán, đồng thời, phải luôn nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Các doanh nghiệp kiểm toán cũng nên có những kế hoạch kiểm soát nội bộ về vấn đề này nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các kế toán viên.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm toán nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác, kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh. Tôi cho rằng, đây là yêu cầu hết sức đúng đắn để giảm thiểu những hạn chế đã tồn tại như thời gian qua.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!