Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất đối với mặt hàng thép xây dựng

Việt Dũng

Bộ Tài chính đã hoàn thành nghiên cứu dự thảo sửa đổi mức thuế xuất khẩu (XK), mức thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế XK phôi thép và thuế suất thuế NK ưu đãi đối với mặt hàng thép xây dựng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế NK, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp... 

Tiếp đó, ngày 29/6/2021, tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế ưu đãi ở mức độ phù hợp đối vơid một số mặt hàng NK có thuế ưu đãi chênh lệch lớn so với các mức thuế FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất thuế XK, thuế NK ưu đãi và các quy định có liên quan của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP) và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại các Nghị định của Chính phủ.

Đến nay, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP. 

Một trong bốn nội dung lớn được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi tại dự thảo sửa đổi mức thuế XK, mức thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua là đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế XK phôi thép và thuế suất thuế NK ưu đãi đối với mặt hàng thép xây dựng.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, với nhiều chính sách phù hợp, trong đó có chính sách thuế XK, thuế NK, ngành thép trong nước đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từng bước tự chủ được công nghệ và năng lực sản xuất phôi thép, thép xây dựng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và XK sản phẩm ra nước ngoài.

Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất thuế NK ưu đãi đối một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài với mức tương đối cao (lên đến 15%, 20% và 25%). Theo đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế XK đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế NK ưu đãi của một số loại sắt thép như sau:

Về thuế XK phôi thép, Bộ Tài chính trình đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế XK mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc XK phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Về thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng thép, theo Bộ Tài chính, để góp phần giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thép...

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm mức thuế NK đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có một số ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu NK các loại sắt thép này hiện nay là không cao. Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép NK, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Ngoài ra, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi thuế suất thuế XK và mức thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế; Sửa đổi, điểu chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế XK, mức thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn, và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, như vàng: bột thạch anh min, hạt giống câu trồng...

Ngày 13/7, Bộ Tài chính đã có công văn số 7672/BTC-CST gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.