Tiếp tục tham mưu, triển khai các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả, chặt chẽ

H. Anh

Sáng ngày 8/10/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 9 và triển khai các trương trình kế hoạch công tác tháng 10. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Thu ngân sách chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 872,28 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh đợt 4 bùng phát trở lại, diễn biến thu nội địa có xu hướng giảm, trong đó thu nội địa từ thuế, phí (không kể yếu tố gia hạn) từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán, tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2020 chủ yếu nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh (so với tháng trước, số thu tháng 8 giảm 19,1%; tháng 9 giảm 13,6%). 

Về chi ngân sách, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2021 được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 218,55 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 725,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán.

Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ước tính, đến hết tháng 9, ngân sách nhà nước đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (19,7 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (9,4 nghìn tỷ đồng)...

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 27/9/2021 đã thực hiện phát hành được 233,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,19 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.

Tham mưu triển khai các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả, chặt chẽ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong tháng 9, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực rất lớn, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác xây dựng cơ chế chính sách, đã hoàn thành nhiều đề án, nghị định, thông tư trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, làm tốt các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, đảm bảo kinh phí mua vắc xin và phòng, chống dịch COVID-19...

Nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, toàn Ngành cần tập trung nỗ lực hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả và chặt chẽ nhất.

Các đơn vị cần chủ động, sáng tạo hơn nữa, bám sát các nhiệm vụ được giao và thực hiện với tinh thần quyết liệt hơn. Trong đó, cần chủ động đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ các giải pháp về điều hành chính sách tài khóa trong trước mắt cũng như lâu dài; tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính; tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung quản lý thu ngân sách, tránh thất thu; đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo kịp thời kinh phí chống dịch; triển khai kịp thời các gói kích thích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là nhiệm vụ mũi nhọn, thúc đẩy phát triển…