Hàng loạt chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều chính sách về tài khóa đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện.
Đã miễn giảm, gia hạn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về thu, chi ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí...); giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021; miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Tổng số tiền thực hiện các chính sách nêu trên dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, đến ngày 15/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.
Trong tổng số tiền trên có 78,84 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ (gồm: gia hạn thuế giá trị gia tăng 44,74 nghìn tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 31,32 nghìn tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh 329 tỷ đồng; tiền thuê đất 2,45 nghìn tỷ đồng); 16,26 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (bao gồm 13,44 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách ban hành năm 2020 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021).
Đã chi 47,3 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân
Cùng với các giải pháp về thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí nêu trên, ngân sách nhà nước đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19 với nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia tuyến đầu chống dịch, quy định về chi phí cách ly, khám, chữa bệnh; chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19; chi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, trong đó, dự kiến hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động và người sử dụng lao động, với nhu cầu thực hiện chính sách ước tính khoảng 26,25 nghìn tỷ đồng.
Để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 chặt chẽ, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, như: yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19...
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định sử dụng một phần kết dư của từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tổng quy mô gói hỗ trợ này khoảng 38 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và 8 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người sử dụng lao động thông qua việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0%.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến hết ngày 15/10/2021, ngân sách nhà nước đã quyết định chi 47,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 (29,95 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (17,36 nghìn tỷ đồng); trong đó, đã quyết định chi từ ngân sách trung ương khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng, từ ngân sách địa phương khoảng 22,7 nghìn tỷ đồng.
Đối với hoạt động mua vắc xin và thuốc điều trị COVID-19, để có thêm nguồn kinh phí mua và tiêm vắc xin, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Quỹ đã huy động được 8.78 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi từ Quỹ 7,95 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin.
Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với dịch COVID-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.