Bộ Tài chính đối thoại về chính sách thuế, hải quan với doanh nhiệp Nhật Bản
Tiếp theo các cuộc đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế - hải quan với doanh nghiệp Nhật Bản (ngày 4/10). Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì phiên đối thoại.
Tham dự Hội nghị còn có ông Kunio Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính; Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cùng đại diện các hiệp hội và hơn 70 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Rút ngắn thời gian làm thủ tục về thuế, hải quan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” với Việt Nam (năm 2009), đồng thời đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và là đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Nhật Bản hiện đang đứng thứ hai trong tổng số 132 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 58 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... đều là những dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam, qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính Việt Nam đã kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan; chỉ đạo sâu sát Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan rà soát, xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai hải quan cho DN, người nộp thuế, người khai hải quan; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, hải quan. Kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của ngành Thuế, ngành Hải quan luôn thuộc nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân thủ thấp nhất, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.
Với những nỗ lực đó, thời gian tuân thủ pháp luật thuế, pháp luật hải quan liên tục được cải thiện. Tính đến nay, ngành Thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với gần 100% (99,97%) số DN thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã và đang triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp tục thực hiện triển khai thuế điện tử (E-TAX) tại tất cả các giai đoạn: từ đăng ký, kê khai, nộp thuế; hoàn thuế điện tử và đẩy nhanh triển khai hóa đơn điện tử… nhằm hỗ trợ DN, người nộp thuế, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực hải quan, thời gian qua đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với hầu hết các thủ tục hải quan. Tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử, hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hầu hết các DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức này.
Ngành Hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các DN hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng… Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, đã điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giúp giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và DN, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm, gần đây nhất, tháng 6/2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Quản lý thuế năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 (riêng về hoá đơn điện tử, có hiệu lực từ 1/7/2022); trong đó có những nội dung mới, nâng cao quyền của người nộp thuế, của DN cũng như trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật thuế, pháp luật hải quan. Những nội dung này, DN cần hiểu và nắm bắt để thực hiện trong thời gian tới.
Luôn lắng nghe để hoàn thiện chính sách
Thời gian qua, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lại rất sôi động, đa dạng. Chính vì vậy, trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời trực tiếp giải đáp các vướng mắc của DN Nhật Bản, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững tại Việt Nam.
“Để các chính sách thuế và hải quan thực sự phát huy hiệu quả, về phía Bộ Tài chính - cơ quan quản lý nhà nước về thuế và hải quan - chúng tôi mong muốn lắng nghe, ghi nhận phản hồi từ phía cộng đồng DN, trong đó có cộng đồng DN Nhật Bản đã và đang đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam", Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, qua hội nghị đối thoại này, cũng như trong thời gian tới, Bộ Tài chính hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN Nhật Bản đang đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, hỗ trợ DN, góp phần khuyến khích đầu tư, tăng cường xuất khẩu phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam.
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị, vướng mắc khác của DN liên quan đến chính sách thuế và hải quan liên quan đến ưu đãi thuế TNDN đối với DN công nghiệp hỗ trợ; giao dịch liên kết; chính sách hải quan…đã được đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giải đáp thoả đáng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Kunio Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam có “quan hệ đồng minh tự nhiên” khi hai nước cùng chia sẻ nhiều “lợi ích chiến lược” như tự do hàng hải trên biển và đều là thành viên tham gia Hiệp định CPTPP…
Theo ông Kunio Umeda, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển nhảy vọt, các vùng miền đang thay đổi từng ngày và cuộc sống của người dân đang dần được cải thiện. Nhật Bản đang tăng cường liên kết với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế với mong muốn hỗ trợ trong khả năng có thể để Việt Nam thực sự phát huy được cơ hội lịch sử của mình, tăng trưởng bền vững và phát triển bứt phá. Trong nỗ lực hợp tác của mình, Nhật Bản đã và đang tăng cường hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp kiến thức liên quan đến chính sách nhân sự.
Thời gian tới, ông Umeda Kunio đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì kỷ luật tài chính, nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, cung cấp điện ổn định và sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là giải thích rõ ràng khi có vấn đề phát sinh.
"Nhật Bản nhận thức rằng, việc Việt Nam phát triển thịnh vượng trên phương diện kinh tế và trở thành một quốc gia lớn mạnh là vô cùng quan trọng đối với “sự ổn định và phồn vinh” của toàn thể khu vực Đông Á. Trên cơ sở nhận thức đó, Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường liên kết với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, chính trị, an ninh, kinh tế… Nhật Bản mong muốn tăng cường liên kết trong khả năng có thể để Việt Nam thực sự phát huy được “cơ hội lịch sử” hiện tại, nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và phát triển bứt phá" - ông Kunio Umeda phát biểu.