Bộ Tài chính giải đáp kiến nghị của cử tri
Những băn khoăn của cử tri về bội chi ngân sách, việc vay trả nợ làm dư nợ công tăng cao, chi thường xuyên chưa được cải thiện trong khi chi cho đầu tư phát triển chưa đạt yêu cầu… đã được Bộ Tài chính giải đáp cụ thể.
Xây dựng lộ trình giảm dần bội chi ngân sách nhà nước
Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Phú Yên cho rằng, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) đang chiếm tỷ lệ cao và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có kế hoạch giải pháp giảm tỷ lệ bội chi ngân sách và tăng chi trả các khoản nợ vay.
Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận do những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng như tác động suy giảm của kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn dự kiến và thấp hơn so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến thu NSNN.
Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội (QH) ban hành nhiều chính sách về thu NSNN theo hướng thực hiện cắt giảm, điều chỉnh một số loại thuế nhanh hơn dự kiến để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,...
Bên cạnh mặt tích cực, trong ngắn hạn đã tác động làm giảm thu NSNN. Tích lũy của nền kinh tế giai đoạn này còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn vốn ngoài NSNN còn hạn chế, nên nguồn vốn đầu tư giai đoạn này trông chờ chủ yếu vào nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, giai đoạn này đã thực hiện điều chỉnh 3 lần tiền lương tối thiểu, 2 lần phụ cấp công vụ và ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, dẫn đến áp lực chi NSNN rất lớn. Vì vậy, Chính phủ đã trình QH cho phép duy trì mức bội chi NSNN ở mức cao.
Việc giảm bội chi NSNN để giảm nợ công, theo Bộ Tài chính là cần thiết, song do thu NSNN thời gian tới không tăng đột biến, trong khi nhu cầu chi NSNN yêu cầu phải tăng lớn để trả các khoản nợ đến hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng chi cho quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành, vì vậy thời gian tới bội chi NSNN sẽ giảm dần, nhưng vẫn cần thiết phải giữ bội chi NSNN ở mức hợp lý.
Để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan,... để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng thu NSNN.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo; bố trí chi NSNN hàng năm ưu tiên bố trí tăng chi trả nợ; thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản nợ, quản lý chặt chẽ các khoản vay mới và thực hiện dự toán đủ chi NSNN từ nguồn vốn vay nước ngoài để hạn chế tăng bội chi NSNN đã được Quốc hội quyết định trong tổ chức thực hiện.
“Thực hiện Luật NSNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, bội chi NSNN sẽ được tính đúng, tính đủ và xây dựng lộ trình giảm dần bội chi NSNN để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia”, Bộ Tài chính khẳng định trong văn bản gửi đến cử tri hai tỉnh trên.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường tiết kiệm, cắt giảm ngân sách chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Tài chính cho biết, tại Báo cáo số 420/BC-CP ngày 17-10-2014, Chính phủ đã có phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 5 năm (2011-2015). Theo đó, đã nhận định cơ cấu thu NSNN giai đoạn 2011-2015 nhìn chung lành mạnh. Tuy nhiên, sức ép bố trí chi NSNN ngày càng lớn và cơ cấu chi ngân sách thay đổi theo hướng tỷ trọng chi thường xuyên và trả nợ tăng nhanh, tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm nhanh trong khi các nguồn vốn ngoài NSNN tăng chậm.
Năm 2015 và các năm tiếp theo, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Tài chính cho biết, cơ cấu chi NSNN sẽ được điều chỉnh dần theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; bố trí chi đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn.
Trong các báo cáo Chính phủ trình QH, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh cơ cấu NSNN như kiến nghị của cử tri. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất- kinh doanh; quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan,... để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu NSNN ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện triệt để tiết kiệm chi NSNN; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN, bảo đảm đúng dự toán được giao. Ngoài ra, sẽ từng bước tinh giản biên chế bộ máy; tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài.
Trong các giải pháp tiếp theo để cắt giảm chi thường xuyên, Bộ Tài chính sẽ rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đã triển khai giai đoạn 2011-2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách; xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách để thực hiện cho giai đoạn 2016-2020; chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo.
Đối với chi đầu tư phát triển, phân bổ tập trung, sử dụng hiệu quả, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước; thúc đẩy mạnh mẽ kêu gọi hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội...
Tranh thủ nguồn vay cho đầu tư phát triển
Theo kiến nghị cử tri, việc thu NSNN năm 2015 đang gặp khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn bảo đảm cân đối nguồn ngân sách để trả nợ cho các công trình, dự án được cấp phát từ NSNN trong năm 2015. Vì vậy, Chính phủ phải thực hiện các giải pháp như huy động thêm trái phiếu Chính phủ và thực hiện các khoản vay mới để đảm bảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, do áp lực tăng chi lớn từ NSNN cho đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển các sự nghiệp văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh...; trong khi thu NSNN tuy có tăng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chi, nên NSNN phải bội chi để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
“Bội chi ngân sách thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói rằng, nếu vay về sử dụng đầu tư dự án có hiệu quả, trả được nợ thì bội chi NSNN là tích cực và cần thiết”, trong văn bản gửi đến cử tri, Bộ Tài chính nêu rõ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính, vẫn cần tiếp tục bội chi NSNN để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nhu cầu tối thiểu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện còn rất yếu kém; đồng thời, cũng còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA đang trong quá trình triển khai, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành dự án.
Để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã tính toán rất kỹ các phương án huy động vốn và tác động tới việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, khả năng trả nợ... với mục tiêu vừa thu hút nguồn vốn nước ngoài vừa đảm bảo nợ công trong phạm vi QH cho phép. Trên cơ sở đó, trình QH thông qua kế hoạch vay, trả nợ hàng năm và nghiêm túc triển khai thực hiện.
Thực tế, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 59,6% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,4%GDP; dự kiến đến hết năm 2015 dư nợ công bằng 62,3%GDP, dư nợ Chính phủ bằng 49,1%GDP, trong giới hạn Quốc hội cho phép.
Bộ Tài chính cho biết, đối với việc vay và trả nợ vay là theo kế hoạch, dự toán được duyệt. Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) cũng chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2015 cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay...