Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị dự toán tạo nguồn năm 2022 để cải cách tiền lương
Bộ Tài chính đã có Công văn số 2089/BTC-KHTC ngày 3/3/2022 gửi các đơn vị dự toán thuộc Bộ về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tại văn bản này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị dự toán thuộc Bộ thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Về thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn, các đơn vị thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2022 tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo số tiết kiệm được thông báo tại Quyết định số 2530/QĐ-BTC ngày 29/12/2021 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022.
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện cải cách tiền lương đối với nguồn thu được để lại sử dụng của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp thuộc các Cục, Tổng cục thuộc Bộ).
Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định) đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Đối với nguồn thu được để lại sử dụng của các cơ quan hành chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Cục Quản lý giá sử dụng tối thiểu 40% số thu phí được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).
Với các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương (gồm: Tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm), đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Về việc báo cáo tình hình trích lập, quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2022, Bộ Tài chính hướng dẫn, các đơn vị tổng hợp báo cáo trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của đơn vị.
Ngoài ra, liên quan đến dự toán chi sửa chữa, bảo dưỡng công trình xây dựng năm 2022 đã được phê duyệt, giao dự toán tại Quyết định số 2530/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị dự toán thuộc Bộ khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật, gửi về Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) trước ngày 31/3/2022 để theo dõi, giám sát và đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán.
Trường hợp đến ngày 31/3/2022 các đơn vị chưa gửi hồ sơ về Bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính rà soát trình Bộ phê duyệt điều chỉnh giảm dự toán chi sửa chữa, bảo dưỡng năm 2022 đối với các công trình chậm gửi hồ sơ nêu trên.