Bộ Tài chính tham dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị

Minh Hà

Sáng ngày 29/11/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Đảng ủy Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Bộ.

Tại đầu cầu trực tiếp tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Bộ Tài chính, tham dự hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính; đại diện Đảng ủy Bộ Tài chính; đại diện Đảng ủy và lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Văn phòng Đảng ủy, Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính.

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã quán triệt những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW.

Theo đó, Nghị quyết xác định, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Cùng với đó, phát triển Vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển Vùng.

Nghị quyết số 30-NQ/TW cũng xác định, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội nghị.

Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, GRDP Vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thuỷ sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%... GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao đông bình quân đạt trên 7%...

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết Vùng; Phát triển kinh tế Vùng; Phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Sau quán triệt nội dung Nghị quyết, hội nghị đã nghe đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình bày dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; đồng chí Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đại diện Đảng đoàn Quốc hội trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và tham luận của đại diện các bộ, các tỉnh, thành phố trong Vùng… Hội nghị cũng đã nghe tham luận của các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương về giải pháp quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương Đảng.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương Đảng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, trước hết, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển Vùng; nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Vùng, từng địa phương trong Vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng.

Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì Cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn Vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Vùng. Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Đảng ủy Bộ Tài chính, đại diện Đảng ủy và Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Bộ. 
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Đảng ủy Bộ Tài chính, đại diện Đảng ủy và Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Bộ. 

Tổng Bí thư mong muốn, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người Bắc Hà, sỹ phu Bắc Hà; cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần: Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng Cả nước và vì Cả nước!

Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện, thể hiện tình cảm đặc biệt của Đồng chí dành cho hội nghị nói riêng, cho đảng bộ, chính quyền, Nhân dân vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung; qua đó, truyền đến cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong Vùng nguồn cảm hứng, động lực to lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

“Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

 

Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng là hội nghị thứ 6 về phát triển vùng.

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 14/10/2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 23/10/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 16/11/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.