Bộ Tài chính thông tin về định hướng điều hành giá xăng dầu trong nước

PV.

(Tài chính) Ngày 09/10/2012, Bộ Tài chính có Công văn số 13693/BTC-QLG thông tin về tình hình giá xăng dầu thị trường thế giới và định hướng điều hành giá xăng dầu trong nước.

Công văn của Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm thế giới, trong một vài phiên giao dịch gần đây có giảm nhẹ. Chẳng hạn: giá xăng RON 92 ngày 20/9/2012 là 118,22 USD/thùng, ngày 04/10/2012 là 119,85 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay sau đó đã tăng trở lại. Cụ thể, giá xăng RON 92: ngày 28/9/2012 là 125,3 USD/thùng, ngày 08/10/2012 là 124,34 USD/thùng. Giá bình quân xăng dầu thành phẩm 30 ngày từ ngày 09/9/2012 đến ngày 08/10/2012, trong đó xăng RON 92 là 122,85 USD/thùng, dầu điêzen 0,05S là 131,56 USD/thùng, dầu hỏa là 131,38 USD/thùng, dầu madut là 673,74 USD/tấn.

Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, các yếu tố để tính giá cơ sở cho 30 ngày (số ngày dự trữ lưu thông) từ ngày 09/9/2012 đến ngày 08/10/2012 như sau:

- Giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày theo phụ biểu số 1 theo tỷ giá ngân hàng tương ứng;

- Thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành ở mức 12% với xăng; 10% với dầu hỏa, madut; 8% với dầu điêzen;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, VAT theo quy định hiện hành;

- Trích Quỹ BOG với các chủng loại xăng, dầu: 300 đồng/lít,kg;

- Chi phí lưu thông tính như quy định hiện hành: Chi phí lưu thông bán lẻ đối với mặt hàng xăng, điêzen, dầu hoả 600 đồng/lít; chi phí lưu thông bán buôn đối với madút 400 đồng/kg;

- Lợi nhuận định mức: 300 đồng/lít,kg.

Với nguyên tắc và các thông số tính toán như trên, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu so với giá bán hiện hành như sau:

Đơn vị: đồng/lít,kg

Mặt hàng

Giá bán hiện hành

Giá cơ sở

Chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành

 

(1)

(2)

(3) =(2)-(1)

1. Xăng RON 92

23.650

24.383

+ 733

2. Điêzen 0,05 S

21.850

22.560

+ 710

3. Dầu hoả

21.900

22.717

+ 817

4. Madút 3,5S

18.650

19.214

+ 564

Với công thức tính giá cơ sở như trên, nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng chứ không giảm. Để bù đắp, liên Bộ Tài chính – Công Thương chủ trương vẫn cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, kg như hiện nay; phần còn lại (xăng RON 92 là 233 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S là 210 đồng/lít, dầu hỏa là 317 đồng/lít, dầu madut 3,5S là 64 đồng/kg), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức.

Trong thời gian qua, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã luôn theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện theo đúng Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp và phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.