Bộ Tài chính tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử

Trần Huyền

Tích cực xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động theo hướng hiện đại hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Trong năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan; vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi, nhận văn bản thông qua trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị, đảm bảo thông suốt, đồng bộ. Thống kê từ ngày 01/01/2021 đến 08/12/2021, Bộ Tài chính đã gửi 11.736 văn bản đi điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nhận được 40.364 văn bản đến điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 31/12/2021, tổng số thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 896, trong đó đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 533 thủ tục (đạt tỷ lệ 59,5%). Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã thực hiện là 452 thủ tục, đạt tỷ lệ 50,5% (tăng 12% so cùng kỳ).

Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành kết nối, tích hợp 346/533 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 64,92% (vượt hơn 30% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ). Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đánh giá cao.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1218/QĐ-BTC về tài liệu Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 áp dụng tại các đơn vị thuộc Khối cơ quan Bộ Tài chính và Quyết định số 1219/QĐ-BTC ngày 25/6/2021 về việc Công bố Tài liệu Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 áp dụng tại các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ Tài chính.

Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động của Bộ Tài chính là một trong những giải pháp quan trọng, hỗ trợ cho các cơ đơn vị thuộc Bộ chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh.

Hiện đại hóa trong từng lĩnh vực

Trong lĩnh vực thuế, ngành Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Đến nay, đã có 16,5 triệu hồ sơ của 849 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%) được xử lý; 678,7 nghìn tỷ đồng và 40,4 triệu USD tiền thuế của 841,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử (đạt trên 99,07%) được nộp vào ngân sách nhà nước thông qua 55 ngân hàng thương mại.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022), Bộ Tài chính đã triển khai hóa đơn điện tử có gắn mã cơ quan thuế tại 6 Cục Thuế thuộc 6 tỉnh, thành phố, tiến tới triển khai toàn quốc đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đến nay, nhằm chống thất thu, trục lợi thuế và buôn bán hóa đơn giả; sau gần 01 tháng triển khai đã có 337,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký sử dụng (chiếm 92,5% tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại 6 địa phương), với hơn 3,9 triệu hóa đơn điện tử được cấp mã.

Bên cạnh đó, đã có 480,2 nghìn tài khoản đăng ký nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà với tổng số 128,2 nghìn tờ khai. Đối với khai, nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, số lượng tờ khai điện tử chiếm 10,95% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận (tại Hà Nội) và 9,45% (tại TP. Hồ Chí Minh) với 186,3 nghìn giao dịch nộp thuế (chiếm gần 6% tổng số) qua hình thức internet banking và mobile banking tại 7 ngân hàng thương mại.

Trong lĩnh vực hải quan, đã có 235 thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (với 13 Bộ, ngành tham gia kết nối), xử lý được 4,7 triệu hồ sơ của trên 51,5 nghìn doanh nghiệp tham gia; nhận 181,1 nghìn C/O từ 9 nước ASEAN, đồng thời gửi đi 896,4 nghìn C/O thông qua Cơ chế một cửa ASEAN; cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó có 209 thủ tục mức độ 4.

Lực lượng hải quan cũng đã tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt. Qua đó, góp phần giúp việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đã cung cấp 9 dịch vụ công trực tuyến để phục vụ 09/11 thủ tục hành chính, trong đó có 07 dịch vụ mức độ 4; 01 dịch vụ mức độ 3 và 01 dịch vụ mức độ 2. Bộ Tài chính hiện đang nâng cấp 02 dịch vụ mức độ 2 và 3 còn lại lên thành mức độ 4; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình và hệ thống công nghệ thông tin nhằm liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư (DTKB-GD), TABMIS và thanh toán điện tử với các ngân hàng.

Với những nỗ lực trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, trong Bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào ngày 26/4/2021, Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu Bảng xếp hạng chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Như vậy, 8 năm liên tiếp (từ năm 2013-2020), Bộ Tài chính luôn dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Việc liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index đã khẳng định những nỗ lực của Bộ Tài chính trong hoạt động tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin những năm qua.