Cải cách, hiện đại hoá hành chính trên tất cả các lĩnh vực của ngành Tài chính
Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến hiện đại hoá hành chính trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Tại Quyết định số 2488/QĐ-BTC ngày 24/12/2021, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Tài chính. Trong kế hoạch, Bộ Tài chính đã nêu cụ thể các nhiệm vụ trên các mặt công tác cải cách hành chính, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và đề ra thời gian thực hiện cho mỗi nhiệm vụ.
Trong cải cách thể chế, Bộ Tài chính đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Tài chính và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường dân chủ, quyền giám sát của nhân dân trong xây dựng thể chế, chính sách. Cải cách trình tự, thủ tục tổ chức thi hành pháp luật theo hướng công khai, minh bạch bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.
Trong cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Mục tiêu đảm bảo đến năm 2025 có tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
Ngành Tài chính thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát thủ tục hành chính trong quá trình thực thi; nhằm ngăn chặn ngay từ khâu dự thảo các quy định thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh chủ quan, định tính, không rõ ràng, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Về cải cách tổ chức bộ máy, trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Tài chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW phù hợp với đặc thù và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Ngành; Tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải trình phát huy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Đối với cải cách công vụ, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Tăng cường phân cấp, giao trách nhệm cho người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ; Tiếp tục, đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức của Bộ Tài chính..
Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách tài chính công. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Cùng với đó, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương.
Một nội dung khác được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai trong năm 2022 là đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, cập nhật, duy trì và tổ chức triển khai Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, Kiến trúc mức chi tiết tại cơ quan Bộ; xây dựng, triển khai các ứng dụng/hệ thống thông tin/dữ liệu dùng chung, nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ tích hợp, liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành.
Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính, đảm bảo kết nối thông suốt, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; đảm bảo các giao dịch được xác thực điện tử; thực hiện đánh giá hiệu quả, đề xuất xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính giao các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch cải cách hành chính của Bộ, ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai công tác cải cách hành chính có hiệu quả tại đơn vị; Phân công Lãnh đạo đơn vị và cán bộ làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm tổ chức triển khai và phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị sử dụng kết quả thực hiện cải cách hành chính làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cuối năm cho công chức, viên chức thuộc đơn vị mình.