Bộ Tài chính trả lời cử tri về trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Theo phản ánh của cử tri tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV “để được hỗ trợ bảo hiểm thì người dân phải thực hiện quá nhiều thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian, công sức”. Về kiến nghị này, Bộ Tài chính giải trình cụ thể tại Công văn số1487/BTC-QLBH.
Lý giải về nội dung trên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Hệ thống văn bản pháp luật này đã quy định rõ nguyên tắc bồi thường; Hồ sơ bồi thường; Quyền trách nhiệm của chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm...
Cụ thể, tại Điều 17 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định chủ xe cơ giới có quyền yêu cầu DNBH giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc giao kết, thực hiện và hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Tại Điều 20 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Điều 19 Thông tư 22/2016/TT-BTC cũng đã quy định DNBH có trách nhiệm: Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ Quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho chủ xe cơ giới; DNBH phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho chủ xe cơ giới theo mẫu quy định (trên Giấy chứng nhận bảo hiểm có số điện thoại đường dây nóng của DNBH).
Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đã cơ bản đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của chủ xe cơ giới nhằm góp phần ổn định tài chính và đời sống sau tai nạn giao thông.
Để đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) chủ động, phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới như: Tổ chức thực hiện các phóng sự trên truyền hình, các tin bài về quy định pháp luật đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trên đài, báo, website... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DNBH và chủ xe cơ giới trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Giải quyết kịp thời các kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan tới việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các DNBH trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trong đó, yêu cầu DNBH chú trọng công tác hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích về hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, đơn giản hóa quy trình, thủ tục; Thiết lập đường dây nóng trong việc giải quyết bồi thường cho người tham gia bảo hiểm, đặc biệt cần có phương pháp thực hiện phù hợp đối với người tham gia bảo hiểm là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nơi mà người dân còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, hiểu biết còn hạn chế hơn.