Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20
Trong hai ngày (8-9/6/2019), tại Fukuoka, Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Ông Taro Aso và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ông Haruhiko Kuroda.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên G20, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cùng đại diện của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Đây là Hội nghị quan trọng nhất trong tiến trình hợp tác tài chính G20 năm 2019, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên G20, các tổ chức quốc tế và các nước khách mời đã có cơ hội trao đổi và chia sẻ quan điểm về tình hình kinh tế toàn cầu, các rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế, một số hành động và giải pháp hướng đến tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.
Các chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị bao gồm chủ đề về kinh tế toàn cầu, tài chính phát triển, thuế quốc tế, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng, già hóa dân số và tài chính cho y tế toàn dân, tăng cường vai trò của Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA) nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính cho đầu tư phát triển, tài chính cho phục hồi sau thiên tai, thảm họa và một số vấn đề tài chính khác như quản lý thị trường chứng khoán, quản lý tài sản, hệ thống thanh toán ngân hàng, đổi mới sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực tài chính…
Về kinh tế thế giới, tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế thế giới tiếp tục ổn định và dự báo tăng trưởng ở mức vừa phải vào nửa cuối năm nay và trong năm 2020.
Theo dự báo của IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức trung bình từ 3,3% đến 3,6% trong năm 2020. Tuy nhiên, rủi ro nổi bật vẫn là vấn đề căng thẳng thương mại và địa chính trị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cám ơn Nhật Bản - Chủ tịch tiến trình hợp tác tài chính G20 năm 2019 đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng này. Về vấn đề tài chính cho phát triển, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao chủ đề này, trong đó có vấn đề bền vững và minh bạch nợ. Các nước thu nhập thấp (bao gồm cả các nước thu nhập trung bình như Việt Nam) có nhu cầu đầu tư cao nhưng do nguồn thu ngân sách hạn chế nên nhu cầu vay nợ lớn. Do đó, cần thực hiện các giải pháp chú trọng tái cơ cấu ngân sách, tăng thu nội địa, duy trì bội chi ngân sách ở mức hợp lý, quản lý nợ công chặt chẽ, thiết lập hệ thống công cụ quản lý nợ, minh bạch thông tin, và quản lý nợ bền vững.
Đối với các nước đã tốt nghiệp IDA thì chuyển sang sử dụng nguồn vốn ưu đãi thấp hơn hoặc huy động vốn trên thị trường tài chính, vì vậy cần sử dụng vốn hiệu quả và quản lý nợ chặt chẽ hơn.Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Xuân Hà hoan nghênh và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong việc thực hiện BEPS nhằm xây dựng hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng, minh bạch để đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và xu thế số hóa nền kinh tế, đồng thời cũng chia sẻ thông tin tới Hội nghị về tình hình triển khai của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam bắt đầu tham gia Diễn đàn BEPS từ tháng 6 năm 2017, từ đó đến nay Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS. Việt Nam hiện đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý thuế, trong đó có vấn đề chia sẻ thông tin, chống chuyển giá, quản lý thuế trong điều kiện nền kinh tế số… nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Tài chính cũng thảo luận tầm quan trọng của bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có vai trò quan trọng của tài chính cho y tế. Các Bộ trưởng Tài chính thống nhất sẽ tổ chức phiên họp chung với các Bộ trưởng Y tế bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 năm 2020 sẽ được tổ chức tại Ả-rập Xê-út.