Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp xúc song phương tại AFMM18
(Tài chính) Ngày 04/04/2014, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 18 tại Myanmar, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng các nước ASEAN đã có cuộc tiếp kiến, chào xã giao Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Tài chính U Win Shein. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch của nước chủ nhà Myanmar và những nỗ lực của Bộ Tài chính Myanmar trong việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM18).
Hai Bộ trưởng trao đổi thông tin chung về tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành ngân sách, tài khóa của hai nước năm 2013 cũng như những định hướng 2014. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí thống nhất thúc đẩy triển khai hợp tác giữa hai Bộ Tài chính trong bốn lĩnh vực hợp tác cụ thể triển khai năm 2014 gồm trao đổi và chia sẻ các quy định về hải quan, kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính, các quy định về thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải cách Doanh nghiệp Nhà nước. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar tăng trưởng không ngừng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi ký Tuyên bố chung giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar vào năm 2010.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn Chính phủ Myanmar tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam trên lĩnh vực tài chính – ngân hàng giữa hai nước để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn báo “The New Light of Myanmar” và đài truyền hình quốc tế Myanmar về tình hình kinh tế của Myanmar và những vấn đề Việt Nam quan tâm tại Hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN lần này. Bộ trưởng đánh giá cao thành tựu kinh tế Myanmarr đã đạt được trong năm 2013 và dự báo tốc độ tăng trưởng 2014 từ 8-9%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, bội chi ngân sách và lạm phát ở mức hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Tài chính Myanmar U Win Shein. Nguồn: mof.gov.vn
|
Bộ trưởng nói: “Trong bối cảnh bội chi ngân sách thấp mà Myanmar vẫn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng là điều mà tôi thấy rất ấn tượng. Với cơ sở hạ tầng phát triển và những nỗ lực ổn định chính trị, Myanmar sẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hóa trong tương lai”. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự quan tâm của Việt Nam đối với chủ đề thảo luận về Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN và hy vọng rằng với nguồn vốn cho vay từ Quỹ, khoảng cách phát triển về cơ sở hạ tầng trong khu vực sẽ được thu hẹp trong tương lai.
Trong phiên họp kín các Bộ trưởng Tài chính ASEAN diễn ra cùng ngày, các Bộ trưởng đã có buổi thảo luận và nghe trình bày của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ban Thư ký ASEAN trình bày về triển vọng kinh tế toàn cầu và những thách thức, ưu tiên chính sách của khu vực ASEAN+3 đối phát triển kinh tế.
Theo ADB, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ vào khoảng 5,2% trong năm 2014. Trong năm tới, thách thức lớn nhất về mặt kinh tế đối với khu vực ASEAN vẫn là việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chậm và khủng hoảng và bất ổn chính trị ở Châu Âu và căng thẳng chính trị ở Thái Lan đang diễn ra.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng trao đổi thêm về những vấn đề thảo luận tại G20, về kinh tế toàn cầu, chiến lược tăng trưởng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thuế quốc tế và cá quy định tài chính đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Myanmar U Win Shein. Nguồn: mof.gov.vn
|
Kết thúc phiên họp, các Bộ trưởng Tài chính đã thảo luận về chủ đề nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các tổ chức tín dụng, ngân hàng giúp người dân có khả năng nhận được nguồn vốn vay hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và đề xuất của nước chủ trì Myanmar về tổ chức hội thảo nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong các nước khu vực ASEAN. Đây là một trong các nội dung chủ yếu nhất của sáng kiến về Tài chính toàn diện đã được rất nhiều các diễn đàn quốc tế và khu vực đề cập và thảo luận như G20, APEC, ASEM, các diễn đàn do IMF, OECD tổ chức.
Việc tiếp cận với các khoản hỗ trợ tài chính và khoản vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là liều thuốc vạn năng nhằm xóa đói giảm nghèo đối với các quốc gia. Tuy nhiên, việc tăng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân sẽ giúp phần nào gia tăng công bằng trong xã hội, giúp gia tăng thu nhập cho người nghèo thông qua việc giúp họ có thêm các cơ hội tài chính, quản lý tài chính gia đình tốt hơn, có thêm nhiều kênh hỗ trợ các hoạt động giao dịch, trao đổi hàng hóa dịch vụ và gia tăng các cơ hội kinh tế đối với người nghèo.
Về mặt tổng thể xã hội, tăng cường cơ hội tiếp cận với các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ giúp việc phân bổ nguồn lực tốt hơn, hiệu quả hơn, tăng cơ hội phát triển kinh tế quốc gia và giảm bất bình đẳng. Trong khu vực Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu cần thực hiện trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN năm 2011. Nội dung này cũng được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN tái khẳng định vào năm 2013 tại Brunei với mong muốn tới năm 2020, con số người dân có khả năng tiếp cận vốn vay và hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong khu vực sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay.