Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chính sách tài khóa phải hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển
"Chính sách tài khóa phải hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển", đó là khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc trao đổi rất thẳng thắn trước các vấn đề người dân quan tâm.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các chính sách tài chính đặt trọng tâm đẩy mạnh các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất. Tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Tăng cường công tác quản lý thu, đảm bảo chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách để gian lận, trốn thuế... được coi là các giải pháp căn cơ nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn để phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19”.
Dấu hiệu tích cực nhất khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kết thúc đó là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những yếu kém của nền kinh tế, để có những quyết tâm cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới từ việc nâng cao vị thế của Việt Nam qua công tác phòng, chống dịch và từ việc mở cửa, hội nhập đem lại.
Củng cố nền tảng vĩ mô
Phóng viên: Thực tế, không chỉ thời điểm cả nước lẫn người dân chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 mới khiến Bộ Tài chính có những đề xuất “thần tốc” khiến triệu triệu người dân được hưởng lợi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi luôn coi sự phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao mức sống của người dân là nền tảng quan trọng nhất để cải thiện và cơ cấu lại các cân đối lớn của ngân sách Nhà nước; củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, khi xuất hiện đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động bám sát tình hình, xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội. Các vấn đề đều được xử lý nhanh nhất ở mức có thể, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”.
Bộ trưởng có thể dẫn chứng những việc đã làm ngay?
Đề xuất cấp có thẩm quyền miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; đề xuất ngay giải pháp hỗ trợ về dòng tiền như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh... để giảm gánh nặng, chi phí đầu vào giúp doanh nghiệp, người kinh doanh cầm cự, vượt qua khó khăn trước mắt về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.
Về chi ngân sách, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chính sách; chủ động đề xuất bố trí nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch; triển khai thực hiện chế độ đặc thù cho các đối tượng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng nhân dân” - Là người giữ “tay hòm chìa khóa” ngân sách quốc gia, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về việc “hy sinh lợi ích kinh tế” trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trong bối cảnh dịch bệnh việc đặt yêu cầu đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân luôn là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa nhân văn cao cả, đúng với bản chất chế độ xã hội của chúng ta.
Nhìn vào diễn biến tình hình dịch bệnh của nhiều nước trên thế giới cho thấy, quan điểm xử lý trên là hoàn toàn đúng đắn, xét cả về mặt lợi ích kinh tế - tài chính, bởi chúng ta đã phải hy sinh một số lợi ích ngắn hạn nhưng đã nhanh chóng khống chế và kiểm soát được dịch bệnh, từ đó có cơ hội ổn định và khôi phục lại hoạt động kinh tế, giảm thiểu các tác động xã hội tiêu cực; tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, củng cố hệ thống y tế. Ngược lại, nếu chúng ta chủ quan, thiếu quyết liệt để tình hình dịch bệnh lây lan ở quy mô lớn, kéo dài, thì thiệt hại thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người, các hệ lụy về trật tự xã hội và kéo theo đó là các thiệt hại về kinh tế - tài chính có thể cao hơn gấp rất nhiều lần.
Hàng loạt các đề xuất có lợi cho người dân lần lượt được “tung” ra như: chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân… Khó khăn chắc chắn sẽ đổ dồn lên Bộ Tài chính, tuy nhiên, Bộ trưởng cảm nhận thế nào khi luồng thông tin tích cực đến từ các cấp ngành, đặc biệt là người dân ủng hộ?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ Tài chính là cân đối thu, chi ngân sách quốc gia, đảm bảo nguồn lực cho các nhu cầu chi tiêu công. Nhưng mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa vẫn là củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước giảm có thể lớn do tác động bởi 4 yếu tố chính: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu; Giá dầu thô giảm sâu; Điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm.
Trong khi chi ngân sách phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội...; do đó khó khăn và áp lực là không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên, khích lệ khi các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn lực tài chính, đã bước đầu phát huy tác dụng; dịch bệnh đã cơ bản đã được khống chế, tạo điều kiện để nới lỏng giãn cách xã hội. Cùng với đó, các giải pháp về tài khóa để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được triển khai và được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.
Tích cực là thấy rõ, nhưng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phí trước bạ ô tô để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không được Bộ Tài chính ủng hộ chắc chắn là thông tin “không vui” đối với người dân. Bộ trưởng có thể giải đáp - phân tích lý do không đồng ý/không đồng tình/không đồng thuận với những đề xuất nêu trên để “rộng đường” dư luận?
Đứng ở khía cạnh của doanh nghiệp, người dân thì luôn mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước, nên thông tin đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phí trước bạ ô tô không được Bộ Tài chính ủng hộ sẽ là thông tin “không vui”. Việc nhiều bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất các giải pháp ưu đãi về thuế, phí cho doanh nghiệp cũng cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan này với thực trạng của nền kinh tế, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ.
Nhưng tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, các biện pháp chúng ta đã và đang thực hiện cũng rất chủ động, tích cực, quy mô lớn ở mức chưa có tiền lệ. Với nguồn lực hạn chế, để tăng tính hiệu quả, đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất của chính sách khuyến khích, chúng ta không thể hỗ trợ một cách dàn trải, mà cần tập trung cho các đối tượng khó khăn nhất do tác động của đại dịch Covid-19, như người lao động bị mất việc làm, các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp bị “đứt, gẫy” dòng tiền do ngưng trệ dòng luân chuyển hàng hóa, thương mại, du lịch... Có như vậy, chúng ta mới cùng nhau góp phần đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo công văn việc làm và thu nhập của người dân.
“Không e ngại trước những thông tin trái chiều”
Việc có khá nhiều đề xuất về miễn giảm thuế phí của các bộ, ngành, doanh nghiệp đã “dừng lại” trước Bộ Tài chính, Bộ trưởng có ngại “va chạm”?
Như chúng tôi đã nêu, trước yêu cầu xử lý một vấn đề, có thể có những ý kiến khác nhau, xuất phát từ quan điểm, cách nhìn nhận, thậm chí do dữ liệu thông tin không đầy đủ. Dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi không e ngại trước những thông tin trái chiều đối với các chính sách do Bộ mình đề xuất. Trái lại, chúng tôi coi đây là nguồn thông tin quan trọng, đóng góp tâm huyết, có trách nhiệm đối với các hoạt động của Bộ, để từ đó soát xét lại các đề xuất của mình, để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chính sách phù hợp nhất.
Trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư...; dự báo nguồn thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; vậy phương án tích cực nhất mà Bộ Tài chính dự kiến là gì, thưa Bộ trưởng?
Phương án tích cực nhất là các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết liệt triển khai tốt nhất các giải pháp chúng ta đã đề ra, trong đó:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ hai, trong điều kiện tài chính doanh nghiệp còn khó khăn, chúng tôi cho rằng giải pháp chính sách tài khóa quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700.000 tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019) để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ ba, triệt để tiết kiệm chi. Thực hiện đúng nguyên tắc quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”, từ đó giảm áp lực cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước.
Trong trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, thì chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách Nhà nước và nợ công trên tinh thần phấn đấu tích cực nhất.
Xác định vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu
Thưa Bộ trưởng, một trong những phương án tài chính ông nêu ra, cắt giảm hội nghị, công tác nước ngoài tối đa sẽ tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng. Ông có thể giải thích cụ thể về những con số trên? Đây có phải là một trong những giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách?
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước là rất lớn, yêu cầu đặt ra cho chúng ta là phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Về chính sách tài khoá, một mặt chúng tôi đề xuất miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời tăng chi hỗ trợ cho người dân chịu tác động bởi dịch bệnh, mặt khác chúng tôi cũng đề xuất yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, cắt giảm chi thường xuyên.
Theo tính toán ban đầu của chúng tôi, trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm, trước mắt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội họp và công tác trong nước, 50% kinh phí công tác nước ngoài. Ở khối cơ quan Trung ương, chúng tôi sơ bộ tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng. Ở các địa phương sẽ tiết kiệm được thêm gấp nhiều lần. Trước dự báo tác động của dịch đến nền kinh tế lớn hơn và thực tiễn vận hành của bộ máy chính quyền trong thời gian vừa qua, chúng tôi đang dự kiến sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm kinh phí hội họp, công tác trong và ngoài nước ở mức cao hơn; ngoài ra, còn phải tiết kiệm thêm các khoản chi thường xuyên khác, đặc biệt là các khoản chi mua sắm trang thiết bị chưa thật cần thiết.
Việc đặt ra yêu cầu này là phù hợp với nguyên tắc quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”. Nói cách khác, đây chính là một trong những giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng có tính đến “cái khó” của bộ, ngành, địa phương?
Khi đề xuất chính sách, chúng tôi bao giờ cũng phải tính đến tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Yêu cầu tiết kiệm, nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng hoạt động bình thường của tổ chức bộ máy các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thậm chí với yêu cầu cao hơn về chất lượng và thời gian. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu, việc đề xuất tiết kiệm như trên đã tính đến yêu cầu chuyển đổi phương thức làm việc trong điều kiện dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, phương thức họp và làm việc trực tuyến ngày càng phổ biến, từng bước xây dựng các nền tảng của Chính phủ điện tử hiện đại, đồng thời thể hiện sự chung tay, chia sẻ từ phía các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và người dân trong những thời điểm khó khăn. Vì vậy, tôi rất mong từng bộ, ngành, địa phương quán triệt, chia sẻ để chúng ta cùng nhau vượt qua năm 2020 với kết quả cao nhất.
Bộ Tài chính đã có những con số rất cụ thể: 34,6 nghìn tỷ nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, 20.000 tỷ đồng cộng với ngân sách địa phương hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ; 14,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương; thưa Bộ trưởng, chúng ta sẽ “vượt qua” năm 2020 một cách lạc quan chứ?
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn không được chủ quan, bởi những tính toán, bước đi sai lầm có thể khiến ta phải trả giá rất lớn về tính mạng, tài sản của người dân và đất nước; thậm chí kéo lùi sự phát triển của đất nước trong nhiều năm. Song chúng ta cũng không được áp tâm lý “bi quan” trong nhìn nhận, đánh giá tình hình. Tâm thế đúng đắn nhất là phải là “bình tĩnh, chủ động, chính xác, kịp thời” trước các tình huống này. Với tinh thần như thế, chúng tôi cho rằng, chúng ta sẽ vượt qua năm 2020 với kết quả cao nhất trong điều kiện hoàn cảnh đặc thù của năm này.
Còn góc chuỗi cung ứng toàn cầu của ta, thưa Bộ trưởng?
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tranh chấp thương mại, bảo hộ thị trường có gia tăng, nhưng xu thế chung trên thế giới vẫn là hội nhập, phân phối lại sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của từng nền kinh tế ở từng giai đoạn. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xác định được vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng được các thế mạnh để nhanh chóng vươn lên.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong thời gian qua cho chúng ta và nhiều nước trên thế giới bài học về việc phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ một hoặc một vài nền kinh tế. Chúng ta cũng đã thấy nhiều ngành sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ở nước ngoài đã gặp khó khăn như thế nào khi dịch bệnh xảy ra, hay nói cách khác khi “một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị bung”.
Bài học ở đây theo chúng tôi là phải nâng dần khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.