Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Hải quan tiến tới hiện đại, minh bạch, chuẩn mực
70 năm vẻ vang nhưng không ít thách thức đối với Hải quan Việt Nam đã đi qua với nhiều dấu ấn thành công để lại. Nhân dịp Hải quan Việt Nam bước sang một chặng đường mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Hải quan về những kết quả cũng như mục tiêu sắp tới của Hải quan Việt Nam.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Những thành tựu này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành Tài chính nói riêng và đất nước nói chung. Xin Bộ trưởng đánh giá khái quát về những kết quả đó của Hải quan Việt Nam?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Trải qua 70 năm, Hải quan Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Tài chính cũng như của quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế nước ta, Hải quan Việt Nam đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thực thi quản lý hiệu quả đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, hội nhập quốc tế. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, tôi đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị Hải quan luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước, năm sau cao hơn năm trước. Những nỗ lực đó đã đóng góp lớn cho ngành Tài chính đảm bảo nguồn lực tài chính cho xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó nổi bật là việc đưa Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vào hoạt động, đã tiếp cận được kỹ thuật quản lý hải quan tiên tiến, hiện đại; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đánh dấu bước tiến mới về cải cách thủ tục hành chính; áp dụng mã vạch giúp giảm khối lượng công việc và thời gian thực hiện tại bộ phận giám sát, góp phần giảm thời gian giải phóng hàng; triển khai thành công Cổng Thanh toán điện tử nhằm giảm thời gian nộp thuế của DN...
Bên cạnh tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, cơ quan Hải quan cũng đã đảm bảo thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Một số vụ việc lớn do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ gần đây như vụ vận chuyển trái phép 22 khẩu súng nòng dài từ Cộng hòa Séc về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; 60 bánh heroin tại địa bàn Quảng Ninh; ngặn chặn DN nhập khẩu thiết bị y tế không đạt chuẩn; thu giữ hàng trăm nghìn lít xăng dầu buôn lậu trên biển... đã nhận được sự biểu dương đáng khích lệ từ các cấp và nhân dân.
Đặc biệt, từ khi Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, với nhiệm vụ thường trực giúp Ban Chỉ đạo, Tổng cục Hải quan đã có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu đề xuất với Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả; đồng thời là đầu mối kết nối hoạt động các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công tác cải cách hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến góp phần thu hút đầu tư và du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Theo Bộ trưởng, Hải quan Việt Nam cần làm gì để sớm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới?
Trước yêu cầu mới của hội nhập và phát triển, Hải quan Việt Nam cần phải đặt ra mục tiêu là: Nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; giảm thời gian thông quan bằng mức trung bình các nước ASEAN-6; Triển khai thành công Cơ chế một cửa quốc gia hướng tới Cơ chế một cửa ASEAN vào cuối năm 2015; Giảm thời gian thông quan bằng mức trung bình các nước ASEAN-4 vào năm 2016; Phấn đấu đến năm 2020, đạt trình độ quản lý hải quan của Hàn Quốc năm 2010.
Để công tác cải cách hiện đại hóa toàn diện và hiệu quả, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục hải quan; triển khai có hiệu quả Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn.
Ngoài ra, cần mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hải quan điện tử cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời, áp dụng đầy đủ phương pháp quản lý rủi ro hiện đại trong hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan; chuyển đổi phương thức, quy trình và nguồn lực kiểm tra theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế, qua đó rút ngắn thời gian, giảm chi phí kiểm tra cho DN.
Tổng cục Hải quan cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mà trọng tâm là đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; chủ trì thực hiện đo thời gian giải phóng hàng và công bố kết quả chung về thời gian trung bình giải phóng hàng năm 2015, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan.
Hơn thế nữa, một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng đó là phải xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, làm chủ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động minh bạch, liêm chính, có hiệu lực, hiệu quả, thích nghi nhanh với những thay đổi môi trường, công nghệ mới, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.
Với mục tiêu Bộ trưởng vừa nêu, nhiệm vụ chính trị của Hải quan Việt Nam trong thời gian tới là vô cùng nặng nề. Trước mắt là giảm thời gian thông quan bằng mức trung bình các nước ASEAN-6, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các thủ tục hải quan phải đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Vậy, Bộ trưởng có chỉ đạo gì để Hải quan Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này?
Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới sẽ có những diễn biến mới phức tạp và khó lường, quá trình toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra sâu rộng, tạo ra cơ hội lẫn thách thức đan xen. Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đáp ứng tốt những đòi hỏi của thực tiễn khách quan, ngoài nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, Hải quan Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo các yêu cầu về quản lý và an ninh, an toàn cho cộng đồng.
Tôi cho rằng, để làm được điều đó, Hải quan Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để đưa Luật Hải quan vào cuộc sống.
Thứ hai, tập trung phối hợp với các bộ, ngành để rút ngắn thời gian kiểm tra đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng ở cảng... để thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước so với dự toán được giao; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng, trong đó tập trung vào các DN có mức độ rủi ro cao...
Thứ tư, làm tốt vai trò Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trên các tuyến và địa bàn trọng điểm; giải quyết tốt vấn đề hàng hóa tồn đọng ở cảng biển; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, ma túy, hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện...
Thứ năm, về công tác xây dựng lực lượng, phải thực hiện theo mục tiêu “chính quy, hiện đại, trong sạch”; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính theo đúng tinh thần Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của Hải quan Việt Nam là “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”.
Tôi tin tưởng rằng, phát huy truyền thống tốt đẹp 70 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Xây dựng Hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại và đạt chuẩn mực quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng