Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Sức khỏe” nền kinh tế tác động đến thu ngân sách

PV.

Tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 01/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phát biểu, giải trình trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước những vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước được các đại biểu và cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội. Nguồn: internet

Thu ngân sách chịu tác động từ nền kinh tế

Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch là 6,7% nhưng ngân sách nhà nước chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước chịu sự tác động chi phối cả từ yếu tố tích cực và những hạn chế yếu kém của nền kinh tế.

Bởi vậy, theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế thời gian qua vẫn còn gặp phải nhiều thách thức như: chất lượng tăng trưởng còn chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa cao, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn… đã có tác động không nhỏ đến thực hiện ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, dự toán năm 2017 xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế là 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách ước vượt 2,3% là tích cực, tăng 10,1% so với năm 2016; trong đó thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 14,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát 6,7% và 4%, góp phần bù đắp cho tác động của cắt giảm thuế để hội nhập và giảm thu từ dầu thô do yếu tố giá và sản lượng giảm.

Số thuế nợ đọng giảm dần

Làm rõ về các ý kiến của đại biểu Quốc hội về thu nợ thuế, Bộ trưởng cho biết, tổng số nợ thuế đến ngày 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ thuế có khả năng thu hồi, tức là nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày theo quy định là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày là 18.061 tỷ chiếm 24,4%. Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, tự phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,2% tổng số nợ đọng thuế.

Như vậy, loại trừ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, phá sản, mất tích... thì nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương với 3% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý thu hồi nợ đọng thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực, số thuế nợ đọng có xu hướng giảm dần: năm 2015 là 76,45 nghìn tỷ, cuối năm 2016 còn 74,2 nghìn tỷ và đến thời điểm 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ. “Chúng tôi đang phấn đấu xuống 72 nghìn tỷ, tức là cứ giảm dần về số nợ đọng.” – Bộ trưởng cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng lo ngại, những số phạt và chậm nộp tiếp tục tăng lên thì số khả năng thu hồi sẽ giảm nhanh, số thu hồi nợ đọng thuế tăng nhanh.

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ nợ đọng thuế của người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi, tự giải thể, phá sản, bỏ vị trí kinh doanh... tồn tại nhiều năm để xem xét, xử lý. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử lý nợ đọng thuế với các trường hợp không có khả năng thu.

Dự toán thu ngân sách năm 2018 tăng 6,4% là tích cực

Giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 chỉ tăng 6,4%, trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến 6,5% - 6,7%, lạm phát 4%, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán năm 2018 là rất tích cực, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, riêng từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 12,5% cũng là mức cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế là 6,5% - 6,7% cộng với lạm phát 4%. Sau khi bù trừ số giảm dự toán thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu thì tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2018 dự kiến tăng 6,4%.

Đồng thời, việc bố trí dự toán năm 2018 là hợp lý và đã thể hiện được yêu cầu cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Tỷ lệ thu nội địa đã tăng lên 83,3% trong khi năm 2017 là 81,7% và mục tiêu đến năm 2020 là 84,85%.

Đảm bảo giữ bội chi trong giới hạn kế hoạch 5 năm

Liên quan đến bội chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc đề xuất mức bội chi 3,7% cho dự toán năm 2018, cao hơn năm 2017 là trên cơ sở số bội chi trong cả nhiệm kỳ đã được Quốc hội thông qua trong Kế hoạch tài chính 5 năm. Năm 2017, bội chi là 3,5%, năm 2018 tăng lên 3,7%, nhưng năm 2019 sẽ giảm xuống 3,6%, năm 2020 còn 3,4%, đảm bảo giữ bội chi trong giới hạn của kế hoạch 5 năm. Như vậy, nợ công theo đó cũng sẽ được đảm bảo ở tỷ lệ 63,9% GDP, nợ Chính phủ là 12,5% GDP, nợ nước ngoài quốc gia là 47,6% GDP vào cuối năm 2018, trong giới hạn Quốc hội cho phép. 

Về chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết thêm, chi ngân sách đã được cơ cấu lại hợp lý, chi đầu tư phát triển đã tăng lên, chi thường xuyên đã giảm xuống và quán triệt tinh thần tiết kiệm chi. Cơ bản chi thường xuyên trừ các yếu tố về chi cho con người thì giữ đảm bảo như cũ, tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm để làm lương từ ngày 1/7/2018.

Về bố trí kinh phí và dự toán đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng làm rõ, hiện đã bố trí phân bổ chi tiết, trong đó phần sự nghiệp đã bố trí cho 2 chương trình khoảng 50% tổng mức chi là mức bố trí rất cao. Bộ trưởng cũng cho biết, dự toán 2018 được xây dựng đảm bảo nguyên tắc không nợ kinh phí, các chính sách đã ban hành trước đây, nhất là chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.