Bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 thấp nhất trong 10 năm qua

PV.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 23/10, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội. Nguồn: internet
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017 nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng còn đứng trước nhiều khó khăn từ trong nước và ngoài nước đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Theo đó, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2017 ước đạt hơn 1.212.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 67% dự toán. Dự báo tăng trưởng cả năm tăng 6,7%, tăng thu hơn 27.000 tỷ đồng, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước hơn 1.390.000 tỷ đồng, trong đó dự toán bội chi năm 2017 là hơn 178.000 tỷ đồng bằng 3,5% GDP. Cũng theo báo cáo của Chính phủ, dự toán ngân sách 2018 dự kiến thu 1.319.000 tỷ đồng.

Về phân bổ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh, thu ngân sách nhà nước còn khó khăn, tuy nhiên Chính phủ vẫn dành nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương và tăng tiền ăn cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang….
Đồng thời, vẫn bố trí tăng chi đầu tư phát triển, trong đó đã dành tất cả số tăng chi đầu tư tập trung để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Đó là nỗ lực rất lớn trong việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về tình hình thu ngân sách, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ.
Về tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, việc quản lý, điều hành chi thường xuyên đã được chú trọng tiết kiệm, chỉ tăng 1,3% so với dự toán, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu triển khai nhiệm vụ, thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành.
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đánh giá cao kết quả điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay, vì đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép.
Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh 4 nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018 bao gồm: phân bổ vốn đầu tư căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn; phân bổ chi thường xuyên cần chú trọng tiết kiệm; phân bổ ngân sách cho các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 theo tỷ lệ điều tiết; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.