Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng về lĩnh vực tài chính

PV.

Sáng nay (16/11), phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chính thức được bắt đầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: internet

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về nhiều vấn đề như: Giải pháp kéo giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, cơ cấu lại, giảm bớt áp lực nợ công; quản lý hóa đơn thuế, chống thất thoát nguồn thu của nhà nước; ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp; triển khai công tác cải cách hành chính; giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; giải pháp đảm bảo thu chi ngân sách; giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài; chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; giải pháp đột phá về chống nợ đọng thuế, chống tiêu cực trong ngành thuế...

Là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nhận được sự đánh giá cao từ nhiều Đại biểu và cử tri cả nước qua theo dõi truyền hình và phát thanh trực tiếp bởi cách trả lời thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm, với kiến thức chuyên môn sâu và chắc. 

Nỗ lực tạo chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa

Trả lời chất vấn các Đại biểu về giải pháp kéo giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã xây dựng đề án từ năm 2014 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó giao trách nhiệm cho 13 bộ ngành phải cải cách hành chính, đến nay các bộ ngành đổi mới sửa đổi 200 danh mục với hàng trăm ngàn mặt hàng...

Bộ trưởng nhấn mạnh việc kiểm tra chuyên ngành có 28% thuộc trách nhiệm của hải quan còn 72% thuộc trách nhiệm của các bộ ngành... Tuy nhiên còn một số mặt hàng thuộc sự quản lý của nhiều bộ cần tập trung rà soát, chỉnh sửa,..., ví dụ, sữa chua, sữa bột khi nhập khẩu phải có 2 giấy phép của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT... 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành tập trung ở 10 địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, nâng cao hiệu quả kiểm định hải quan để thông quan nhanh; cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành; rà soát các mặt hàng đang chịu nhiều đầu mối kiểm tra để đơn giản hóa, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành... Bộ trưởng khẳng định, trong 6 tháng đầu 2018 sẽ tạo chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa.

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để quản lý nợ công

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về kiểm soát nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam tăng cao, áp lực phải trả nợ lớn, nước ta phải có lộ trình giảm dần bội chi và đảm bảo an toàn nợ công. Triển khai Nghị quyết 12 của Đảng, Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá và báo cáo với các cấp có thẩm quyền, trình Bộ Chính trị về Nghị quyết 07 về tái cơ cấu kinh tế nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững. Bộ Tài chính cũng trình Quốc hội, ban hành thông qua Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiều các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công như tiếp tục hoàn thiện thể chế. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật quản lý nợ công sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 02 về quản lý nợ công, tăng cường quản lý các bộ ngành trong quản lý ODA, quản lý sử dụng nợ công.

Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; Quản lý chặt trần nợ công; Quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; Xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; Siết chặt bảo lãnh chính phủ; Bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát... Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung đầu tư nguồn vốn vay công cho các dự án quan trọng; Chỉ tiến hành vay Ngân hàng Thế giới và kết hợp vay ưu đãi cho các dự án có tác động lan tỏa và từng bước kiểm soát nợ công. Mặt khác, từng bước cắt giảm bội chi: Năm 2018 là 3,7% , năm 2019 xuống 3,6 % và 3,4% vào năm 2019, đồng thời kết hợp với kiểm soát trần nợ công... 

Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính

Cùng với các vấn đề về nợ công, hải quan, chuyển giá, cải cách thủ tục hành chính cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm ngay từ đầu phiên chất vấn. Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung rất quyết liệt và đồng bộ. Năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 chỉ một tuần, Bộ Tài chính đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19.

Vì Bộ Tài chính triển khai quyết liệt nên đạt kết quả rất cụ thể: Năm 2011-2015, cắt giảm 248 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 962 thủ tục. Năm 2016 đến nay, Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 872 trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, trong các lĩnh vực Bộ Tài chính còn 946 thủ tục hành chính - còn rất lớn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp về hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý. Trong lĩnh vực thuế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, rút ngắn thời gian nộp thuế từ 537 giờ còn 117 giờ. Lĩnh vực hải quan, đưa vào vận hành hải quan điện tử cùng hải quan một cửa. 99,9% số tờ khai hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, cao hơn mức đề ra 95%...

Kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế trong thời gian qua có bước tiến bộ lớn, chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam năm nay tăng 81 bậc, xếp 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Nếu sang năm đưa vào hóa đơn điện tử thì cải cách thuế còn tiến xa hơn nữa" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tạp chí điện tử Tài chính sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.