Nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát
Trong Báo cáo về tình hình nợ công gửi tới đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, khóa XIV, Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2017, dư nợ công khoảng 62,6% GDP, nợ chính phủ khoảng 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. Số liệu này cho thấy, chỉ số nợ công vẫn được đảm bảo trong ngưỡng an toàn Quốc hội cho phép…
Các chỉ số đều ở trong giới hạn an toàn
Theo kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương (NSTW) năm 2017 khoảng 316.300 tỷ đồng, bao gồm: Vay bù đắp bội chi NSTW khoảng 172.300 tỷ đồng (bằng 3,38% GDP); vay để trả nợ gốc của NSTW khoảng 144.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở các hiệp định, thỏa thuận vay đã ký với đối tác phát triển nước ngoài, Chính phủ dự kiến vay nước ngoài về cho vay lại các dự án/chương trình, chính quyền địa phương trong năm 2017 đạt khoảng 1.120 triệu USD (tương đương khoảng 25.760 tỷ đồng).
Báo cáo cho biết, tổng mức vay của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 254.831 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch, bao gồm: Vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là khoảng 119.000 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc là khoảng 125.065 tỷ đồng và vay về cho vay lại là 10.766 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch huy động vốn đã được phê duyệt.
Theo danh mục nợ của Chính phủ hiện hành, nghĩa vụ nợ của Chính phủ trong năm 2017 là khoảng 260.150 tỷ đồng, gồm trả nợ trong nước là khoảng 214.878 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trực tiếp là khoảng 28.022 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là khoảng 17.250 tỷ đồng. Dự kiến, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (gồm cả trong nước và nước ngoài) được tính trong cân đối NSTW là khoảng 242.900 tỷ đồng.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã bố trí trả nợ vay số tiền khoảng 213.316 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch.
Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, giảm dần bội chi
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách - Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, để đảm bảo nợ công trong ngưỡng an toàn, Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, giảm dần bội chi và nợ công.
Cụ thể, về chính sách chi NSNN, cần tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn NSNN cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 266/NQ-UBTVQH13 ngày 4/10/2016 và Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015), đảm bảo hiệu quả, công bằng, tiết kiệm, hạn chế lãng phí và chống thất thoát.
Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả chi NSNN, từng bước thực hiện bố trí chi theo kết quả đầu ra, theo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công việc. Tiết kiệm chi thường xuyên trên cơ sở quản lý chặt chẽ biên chế, tinh gọn bộ máy, tăng định mức chi sự nghiệp kinh tế, chi duy tu, bảo dưỡng...
Về bội chi NSNN, cần tính toán lại theo quy định của Luật NSNN năm 2015, bảo đảm thấp hơn 4% GDP nhưng từ năm 2021 là 3% GDP tính theo tiêu chí mới (bao gồm cả trái phiếu chính phủ và không bao gồm trả nợ gốc); Phấn đấu bội chi NSNN giảm dần mỗi năm khoảng 0,2% - 0,3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương.
Đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ mức bội chi hàng năm và trần nợ công cũng cần tập trung nghiên cứu và chủ động phác họa các kịch bản để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra; Duy trì mức trần nợ công không quá 65% GDP (sau năm 2020 không quá 62% GDP), nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài không quá 50% GDP. Cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, bảo đảm khả năng trả nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Đặc biệt, để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu lại nợ công theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công.