Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam
Sáng 28/3, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhân dịp bà kết thúc nhiệm kỳ.
Phát biểu mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc vui mừng chào đón bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính. Bộ trưởng trân trọng chúc mừng bà Carolyn Turk đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ 4 năm với tư cách Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá cao và cảm ơn bà Carolyn Turk thời gian qua đã rất tích cực thúc đẩy việc chuẩn bị và triển khai các dự án vay vốn WB. Trong nhiệm kỳ 4 năm của bà Carolyn Turk, Việt Nam và WB đã ký 05 Hiệp định tài trợ với tổng giá trị vay là 991,5 triệu USD.
Bộ trưởng chia sẻ, thời gian tới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được coi là bước đột phá của Việt Nam nên Việt Nam cần phải thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp công nghệ cao, công trình chống biến đổi khí hậu…
"Phía Việt Nam sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án ODA và cam kết phối hợp chặt chẽ với WB hơn nữa trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm các khoản viện trợ làm mềm lãi suất vay, đặc biệt trong bối cảnh các dự án vay WB có chi phí tăng thêm do bổ sung nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tăng tính linh hoạt để Việt Nam có thể sử dụng vốn vay phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, cụ thể là tài trợ cho các dự án quy mô nhỏ khi chưa có dự án quy mô lớn và giảm yêu cầu cam kết chi tiết trong khâu đàm phán, chuyển các cam kết chi tiết sang giai đoạn thực hiện, vừa giúp đẩy nhanh khâu đàm phán, vừa tạo thuận lợi và tăng tính chủ động cho cơ quan thực hiện khi cần sửa đổi các nội dung cụ thể trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với việc chuẩn bị các dự án, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết các Hiệp định vay cho các dự án. Với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị, việc có thể kịp thời đàm phán, ký kết các Hiệp định trong giai đoạn này hay không phụ thuộc rất lớn vào việc các dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước của các dự án sẵn sàng cho việc vay vốn cũng như chi phí vay hợp lý.
Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ cảm ơn bà Carolyn Turk trong nhiệm kỳ của mình đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính và WB diễn ra tốt đẹp.
“Tôi hy vọng rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà luôn nhớ đến Việt Nam, ủng hộ Việt Nam cũng như Bộ Tài chính. Tôi cũng tin rằng bà đã có nhiều kỷ niệm đẹp trong thời gian làm việc tại Việt Nam, chúc bà tiếp tục gặt hái được nhiều thành công với cương vị mới là Giám đốc Quốc gia WB tại Indonesia và Timor Leste”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chúc mừng.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Carolyn Turk trân trọng cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dành cho bà trong suốt nhiều năm bà sống và làm việc tai Việt Nam.
Theo bà Carolyn Turk, Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư rất lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Do vậy, nếu không đầu tư công mạnh mẽ thì khó đạt được mục tiêu này và nguồn vốn ODA chính là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư công của Việt Nam thời gian tới.
Vì vậy, theo bà Carolyn Turk, ưu tiên trước mắt của Việt Nam hiện nay chính là giải quyết các vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý trong triển khai các dự án ODA.
"Với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc dành cho Việt Nam, dù trong bất kỳ vị trí công tác nào, tôi cũng sẽ luôn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp tiếng nói với WB để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa WB với Việt Nam, cũng như với Bộ Tài chính Việt Nam phát triển tốt đẹp", bà Carolyn Turk khẳng định.
Tại buổi tiếp, bà Carolyn Turk cùng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, như: Tiến độ chuẩn bị các Dự án; Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thời gian vừa qua; Chủ trương tiếp nhận khoản IDA hủy...