Bộ trưởng tài chính G-20 họp: Không tiếng nói chung

Theo SGTT, NYT

Cuối tuần qua, bộ trưởng tài chính nhóm 20 nước họp bên ngoài thủ đô London, để tìm kiếm giải pháp kích cầu và chấn chỉnh lại thị trường tài chính toàn cầu. Trong cuộc họp, các vị lãnh đạo tài chính này đã bị chia rẽ theo hai hướng. Đây là cuộc họp chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh nhóm 20 nước (G-20) diễn ra vào hai tuần tới.

Cuộc họp kết thúc thất bại. “Chúng tôi đã có hành động toàn diện và hợp tác dứt khoát để kích cầu và tạo việc làm. Và chúng tôi đã chuẩn bị tiến hành bất kỳ hành động nào cần thiết cho đến khi nền kinh tế được tăng trưởng trở lại”. Đó là tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Ngoài tuyên bố này ra, các nước không đạt được cam kết gì cụ thể.

Họ chỉ thống nhất được hai điều. Một là cam kết sẽ tăng tiền hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi ở Đông Âu, nơi khủng hoảng đã đẩy hàng ngàn người xuống đường biểu tình. Các bên đều nói sẽ tăng một lượng “đáng kể” vào quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng không ai công bố được con số cụ thể.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đề nghị tăng quỹ của IMF từ mức hiện nay là 250 tỉ USD lên 750 tỉ USD, trong khi phía châu Âu nói khoảng 500 tỉ USD đã đủ.

Hai là tăng cường nỗ lực cứu sống luồng tín dụng ngân hàng và chấn chỉnh lại các quỹ phòng vệ thanh khoản linh hoạt. Tuy nhiên cam kết thứ hai phải chờ đến khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nguyên thủ của những cường quốc như Trung Quốc, Nga, châu Âu trong cuộc họp ở ngày 2.4 tới chứng minh được họ có chiến lược hợp tác hiệu quả, mới mong có tác dụng đến thị trường.

Ở cuộc họp này, các vị bộ trưởng tài chính vẫn không thể thu hẹp khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương, như ông Robert Kagan, một chiến lược gia về chính sách đối ngoại bình luận: “Thái độ giải quyết các vấn đề quốc tế của Mỹ và châu Âu từ thập niên 90 đến nay vẫn còn khoảng cách y như xưa”.

Cánh báo chí theo dõi cuộc họp vừa nghe ông Geithner kêu gọi các nước vay tiền IMF để kích cầu, bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrück đã phản bác: “Chúng tôi không bàn bạc gì đến việc gia tăng các gói kích thích kinh tế”. Bộ trưởng Tài chính Luxembourg, kiêm chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu, ông Jean-Claude Juncker nói thẳng: “16 bộ trưởng tài chính đã đồng ý rằng lời Mỹ kêu gọi châu Âu tăng tiền vào các quỹ kích thích kinh tế không đúng với ý thích của chúng tôi”.

Mỹ chú trọng vào các gói cứu nguy của chính phủ và tin rằng các gói này sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các nước châu Âu chú ý nhiều đến việc chấn chỉnh lại thị trường tài chính, các biện pháp giám sát để suy thoái, khủng hoảng không quay lại và tỏ ra cảnh giác với các biện pháp kích cầu vì cho rằng tăng chi tiêu sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách.

Cuối nghị trình họp, Đức và Pháp tổ chức họp báo chung. Đây là cuộc họp báo chung duy nhất ở hội nghị này, ngoại trừ cuộc họp báo chung kết thúc cuộc họp có 20 vị bộ trưởng tài chính tham dự. Tại cuộc họp báo này, Đức và Pháp đề xuất cuộc họp thượng đỉnh sắp tới nên nhắm vào chuyện cải tổ điều hành thị trường tài chính hơn là bàn bạc gia tăng các gói kích thích kinh tế. Hai nước này kiên quyết lập trường gia tăng quản lý, kiểm soát thị trường tài chính toàn cầu, hơn là đổ tiền vào thị trường. Do đó, khi được hỏi về lời kêu gọi của Mỹ, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Đó là lý do chúng tôi quyết định có chung một tiếng nói hôm nay”.