Bộ trưởng Tài chính giải trình một số nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Sáng 24/3, tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có phát biểu tiếp thu, giải trình nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Số nợ thuế đã xoá trong 5 năm rất thấp
Về các ý kiến liên quan đến quy định xoá nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng chỉ xử lý xoá nợ thuế cho 1 trường hợp là 31,9 tỷ đồng. Bộ Tài chính xử lý 4 trường hợp theo thẩm quyền, xoá 29,7 tỷ đồng. Tổng cục Thuế xử lý 72 doanh nghiệp, 635.000 hộ kinh doanh, tổng số tiền xoá là 377 tỷ đồng. UBND cấp tỉnh xử lý 102 trường hợp, xoá 102 tỷ đồng. Tổng cộng 5 năm đã xoá nợ 541 tỷ đồng, rất thấp trong tổng nợ đọng thuế, nhất là khi nợ không có khả năng thu hồi đang tăng cao.
Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết về xoá nợ thuế để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.
Về quy định với Cục kiểm tra sau thông quan tại dự thảo, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Hải quan đã quy định hệ thống hải quan có 3 cấp, nhưng không quy định cụ thể các đơn vị trực thuộc. Trên thực tế, Cục Kiểm tra sau thông quan đang thực hiện đầy đủ các chức năng của một cơ quan quản lý thuế, như một cục hải quan.
Hiện nay, chúng ta đang triển khai mạnh mẽ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nên vai trò của Cục Kiểm tra sau thông quan ngày càng được tăng cường. Do đó, cần thiết phải được quy định vai trò của cơ quan này trong Luật Quản lý thuế.
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện kết luận kiểm toán
Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra nhà nước (TTNN) tại điều 21, 22. Nói rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Luật KTNN quy định báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải là quyết định hành chính.
Thực tế, khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của KTNN, TTCP (thực hiện tại cơ quan thuế), đã xảy ra nhiều trường hợp người nộp thuế là đối tượng liên quan không đồng ý và khiếu nại.
Đã có nhiều trường hợp người nộp thuế khiếu kiện ra toà về quyết định của cơ quan thuế chứ không phải quyết định của KTNN hay TTCP. Việc người nộp thuế khiếu kiện ra toà là đúng luật và đúng quyền của người nộp thuế.
Do thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp khá phức tạp, nên vấn đề này cần được hết sức lưu ý và nghiên cứu để xử lý theo hướng sửa điều 30 Luật Tố tụng hành chính, hoặc sửa Luật Quản lý thuế, hoặc sửa Luật KTNN, đại diện cơ quan soạn thảo đề nghị.
Lấy ví dụ về một trường hợp có vướng mắc trong kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ trì họp với KTNN, TTCP, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để bàn về phương án xử lý kết luận kiểm toán và thanh tra tại Sabeco, Habeco và Unilever.
Trong đó, tại Unilever, KTNN đưa ra số liệu ban đầu là truy thu 870 tỷ đồng, lần thứ hai là hơn 500 tỷ đồng và lần 3 còn hơn 300 tỷ đồng. Đến nay, các cơ quan liên quan đã thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng về việc này, truy thu hơn 300 tỷ đồng. "Trường hợp này, nếu chúng tôi quyết định ngay truy thu 870 tỷ đồng thì họ sẽ kiện cơ quan thuế ra toà và cơ quan thuế phải giải trình trước tòa", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng liên quan đến việc phối hợp, trách nhiệm của các bộ ngành, lãnh đạo ngành Tài chính cho rằng việc phối hợp với bộ, ngành, UBND các cấp là rất quan trọng với cơ quan tài chính. Thời gian qua, công tác quản lý tài chính, thuế tại các địa phương khá hiệu quả khi thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cơ quan. Điều này càng quan trọng khi công tác quản lý phải thích ứng với sự thay đổi rất nhanh về khoa học công nghệ, thương mại điện tử… trong nền kinh tế.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử không quản lý được thương mại điện tử thì cơ quan thuế cũng không thu được thuế. Do đó sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự phối hợp của các cơ quan trung ương và địa phương là vô cùng quan trọng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Sự phối hợp giữa các cơ quan, sự đồng bộ giữa các luật còn rất cần thiết trong hoạt động chống chuyển giá, một vấn đề quan trọng trong quản lý thuế hiện nay. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra trong sản xuất kinh doanh, nhất là với khu vực FDI. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 20 về giao dịch giữa các công ty liên kết.
Năm 2017, cơ quan thuế qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý giảm lỗ 37 ngàn tỷ đồng, năm 2018 giảm lỗ 40,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chống chuyển giá trong giai đoạn đầu tư còn là vấn đề phức tạp, khó khăn. Do đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã bổ sung trách nhiệm một số bộ ngành để phối hợp trong quản lý thuế, đặc biệt trong khâu định giá đầu tư.
Bổ sung nội dung cấm hành vi chuyển giá, tránh thuế
Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý thuế (QLT), các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo.
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đề nghị bổ sung hành vi chuyển giá, tránh thuế là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế để đảm bảo chặt chẽ trong quá trình quản lý thuế. Đại biểu nêu rõ tại điểm b khoản 6 Điều 15 Luật này quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan chức năng tăng cường công tác thẩm định dự án đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, tránh thuế.
Như vậy, bên cạnh hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức cơ quan quản lý thuế để trốn thuế quy định tại khoản 1 điều này, một trong những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực thuế là thất thoát ngân sách, là tình trạng chuyển giá, tránh thuế. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chuyển giá, tránh thuế vào điều cấm.
Đại biểu Phạm Văn Tuyên (Thái Bình) đề nghị bổ sung vào điểm a, khoản 5 Điều 15 về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước nội dung chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của các tổ chức, cá nhân và phối hợp với các cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật này.
Đồng thời, tại điều này, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng, phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc kết nối, cung cấp thông tin của các cơ sở kinh doanh karaoke, mát xa, vũ trường cơ sở lưu trú và kinh doanh sân golf.
Góp về quy định liên quan đến cưỡng chế thuế, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) trích dự thảo cho biết tại khoản 2 Điều 133 quy định giá trị tài sản kê biên của đối tượng bị cưỡng chế tương đương với số tiền được ghi trong quyết định cưỡng chế và chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế. Theo đại biểu, quy định như vậy để tránh lạm dụng, nhưng chỉ phù hợp trong điều kiện bình thường.
Trong thực tế, số tiền quy định trong thuế có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn rất nhiều so với tài sản kê biên. Trong điều kiện không có tài sản nào khác, nếu quy định như vậy thì thuế rất khó cưỡng chế. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng mở để trong trường hợp tài sản cao hơn hay thấp hơn số tiền phải cưỡng chế thì vẫn có thể cưỡng chế được trong trường hợp không có tài sản nào khác.
Ngoài ra, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị nên bổ sung quy định về khen thưởng kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý thuế, nhằm khuyến khích tổ chức, mọi cá nhân tự giác chấp hành quy định về quản lý thuế.
Lắng nghe các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ nghiêm túc phối hợp với cơ quan thẩm định để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát dự thảo Luật để đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo chặt chẽ, khả thi trong thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường quản lý chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá, đảm bảo quản lý được các phương thức quản lý kinh doanh mới hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.