Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, ngày 8/4/2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam vận hành theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến
Để kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Tư pháp sớm có ý kiến thẩm định về hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết là nhằm xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng trở thành các trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu gắn với động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh và huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Một mục tiêu lớn nữa mà dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đặt ra là: Trung tâm tài chính vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam…
Để đạt mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ được nêu chi tiết tại 6 chương với 36 điều…
Nhiều ý kiến đóng góp cho hoàn thiện dự thảo Nghị quyết
Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết, diễn ra ngày 8/4 do Bộ Tư pháp tổ chức, các đại biểu tham dự đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp, các quy định thành viên trong Trung tâm tài chính...
Theo GS. TS. Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, về giải quyết tranh chấp, cần phải hướng tới cho Trung tâm tài chính quốc tế một phương thức giải quyết nhanh, hiệu quả, bình đẳng và dân chủ nhất có thể. Từ đó, Trung tâm tài chính mới có sức hút, bởi nếu các tranh chấp, xung đột trong trung tâm tài chính bị vướng, không thoát ra được sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
“Do đó, cần có các cơ chế giải quyết đặc thù. Các trung tâm tài chính khác sử dụng phương thức tranh chấp lựa chọn, dùng trọng tài là chính, còn trọng tài có nằm trong khu trung tâm tài chính hay không thì cần nghiên cứu thêm", ông Hạnh đề xuất.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, về cơ quan giám sát, chúng ta cần cân nhắc có nên thành lập một cơ quan giám sát trung tâm tài chính không, hay là sử dụng cơ cấu giám sát tài chính, ngân hàng hiện hành.

Liên quan đến những vấn đề mang tính chất chính sách, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cần đánh giá tác động và phải có quy trình chặt chẽ. Về áp dụng pháp luật, qua ý kiến của các thành viên Hội đồng cho thấy có sự khác biệt với trung tâm tài chính đặt ở các đặc khu kinh tế như Hồng Kông, vì Trung tâm tài chính của chúng ta được quy định đặc thù. Đây là đặc thù so với pháp luật Việt Nam, trên nền tảng pháp luật Việt Nam, không phải là tạo lãnh thổ riêng, quy chế pháp lý riêng, tài phán riêng.
“Vì thế, cần nêu rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật là thống nhất theo pháp luật Việt Nam và chính các chính sách, cơ chế đặc thù này cũng là pháp luật Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.