Bộ Xây dựng: Trục đường Hồ Tây - Ba Vì là cần thiết

Theo Cafef

Trục Hồ Tây - Ba Vì là tầm nhìn cho sự phát triển lâu dài chủa Thủ đô, xây dựng trục đường này là cần thiết bởi lưu lượng gia thông ra, vào từ phía Tây là rất lớn.

 Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn  trả lời báo chí chiều ngày 23/8/2010 về hai vấn đề đang được dư luận rất quan tâm về đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sắp trình Chính phủ phê duyệt là trung tâm hành chính Quốc gia và trục đường Thăng Long (tên trước đây trong đồ án) nay đã đổi tên thành trục Hồ Tây - Ba Vì.

 UBND Thành phố Hà Nội mới có văn bản góp ý về Quy hoạch chung Hà Nội gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng, trong đó đã nêu quan điểm về quy hoạch khu trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

 

UBND TP Hà Nội khẳng định trung tâm chính trị - hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất, không nên tách rời. Khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia qua các thời kỳ lịch sử đất nước, cần tiếp tục quy hoạch và xây dựng khu vực Ba Đình và vùng phụ cận là nơi đặt trụ sở các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo tương xứng với tầm vóc Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân giữa thế kỷ 21. Mặt khác, không gian của khu vực Ba Vì không đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, tiếp cận các loại hình giao thông, kết nối với những vùng xung quanh. UBND TP cũng đề xuất hai địa điểm có thể xây dựng trụ sở các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là khu vực Tây hồ Tây và Mỹ Đình - Mễ Trì.

 

Về vấn đề này Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn khẳng định, Trung tâm hành chính – chính trị quốc gia luôn là khu Ba Đình. Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đã không đặt vấn đề Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì. Hiện tư vấn – thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ đồ án và chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định nghiệm thu cấp Nhà nước. trong toàn bộ hồ sơ hiện nay không còn nói đến Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, khu đất này này giờ chuyển thành khu đất dự trữ.

 

Về vấn đề trục đường Hồ Tây – Ba Vì, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, Trục Thăng Long nay đổi tên thành tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì thì vẫn được bảo lưu trong đồ án.

 

Trong quy hoạch Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xây dựng tuyến đường này là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội

 

Thứ nhất, đây là tầm nhìn chiến lược cho phát triển thủ đô lâu dài, lưu lượng giao  thông khu vực phía Tây rất lớn, trong tương lai khi các đô thị vệ tinh phát triển có tới hơn 1 triệu dân sinh sống tại khu vực này, để không bị dồn ép trên 2 tuyến chính hiện có là Láng – Hòa Lạc và QL32 khi lưu thông đến đô thị lõi, việc đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì là rất cần thiết

 

Thứ hai là vấn đề kỹ thuật, bên dưới tuyến đường là các đường ống dẫn nước từ sông Đà về nội đô để cấp nước sạch cho thành phố, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm cũng chôn dưới tuyến đường này.

 

Thứ ba là tuyến này tạo các điểm nhấn là các trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa. Tuyến Hồ Tây - Ba Vì (có đoạn Vân Canh- Vành đai 4 lớn nhất rộng 350 m, dài 3,5 km) để xây dựng các công trình văn hóa, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô.

 Ngoài ra, lập quy hoạch xây dựng tuyến đường này cũng nhằm mục đích giữ đất, hiện tại hướng tuyến đi qua không có nhiều dự án, chỉ có một số dự án như Vân Canh của HUD cũng bị cắt mất khoảng 9ha, Kim Chung – Di Trạch thì mới đang sàn lấp mặt bằng… Nếu không được quy hoạch trước, sau này khi các dự án đã hình thành sẽ không còn đất để làm đường, nếu muốn xây dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về đền bù giải tỏa.

 

Trục đường Hồ Tây – Ba Vì không có sự thay đổi về hướng tuyến cũng như quy mô của tuyến đường so với tên cũ là trục Thăng Long. Trước tiên con đường sẽ được xây dựng hai bên trước, khoảng trống ở giữa được trồng cây xanh để giữ đất, trong tương lai khi có điều kiện sẽ được xây dựng tiếp.

 Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định nghiệm thu cấp Nhà nước quyết định sau đó trình Thủ tướng. Kết luận cuối cùng sẽ do Thủ tướng Chính phủ duyệt.